Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Minh Trí vừa phê duyệt đề cương chi tiết dự án "Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP HCM đến năm 2025" của Sở cảnh sát PCCC. Đây là lần đầu tiên TP HCM có quy hoạch về ngành này.
Theo đó từ nay đến năm 2020, TP HCM sẽ mua 4 máy bay trực thăng chuyên dụng phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. 5 năm tiếp theo, thành phố tiếp tục mua thêm 2 chiếc nữa.
Hiện TP HCM mới có các xe thang, chưa có máy bay trực thăng chuyên dụng nên việc chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chữa cháy nhà cao tầng. Ảnh: H.C.
Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước chữa cháy đối với đường thuộc quận, huyện và khu đô thị mới với khoảng cách dưới 300 m/trụ/chiều đường.
Cũng trong thời gian này, TP HCM sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động 97 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp độc lập, trực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC các quận, huyện và Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông. 5 năm sau, thêm 101 đội chữa cháy chuyên nghiệp sẽ được đưa vào hoạt động.
Theo đánh giá của UBND TP HCM, những năm gần đây tình hình cháy nổ trên địa bàn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ cháy lớn xảy ra tại khu vực dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản mà một trong những nguyên nhân là thiếu nước chữa cháy.
Các nhà máy, xí nghiệp sản xuất mới có khoảng 1.000 bể chứa phục vụ cấp nước chữa cháy, lượng nước dự trữ chưa đủ để cung cấp cho những lần cứu hỏa thời gian kéo dài. Ngoài ra, có đến 3.500 km đường bộ nhưng thành phố chỉ có gần 5.800 trụ nước chữa cháy. Trong khi tiêu chuẩn về cấp nước chữa cháy đô thị phải có trên 23.000 trụ nước.
UBND TP HCM cho rằng, các đơn vị cảnh sát PCCC còn quá ít so với yêu cầu thực tế, thiếu trang thiết bị hiện đại cần thiết nên công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy và trong các trường hợp khác còn nhiều khó khăn, nhất là việc cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa.
Trung Sơn