Thông tin được ông Hồ Hữu Hải, Phó phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Sở Xây dựng), nói tại họp báo kinh tế - xã hội thành phố, chiều 10/8.
Theo ông Hải, vật liệu phủ gốc cây trên đường Trường Sơn dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) là loại thấm nước, sử dụng làm chất phủ bồn gốc cây, khác bêtông thông thường. Nhiều nước đã dùng vật liệu này làm đường dạo trong công viên, khu dân cư, giúp tăng diện tích sử dụng, đảm bảo thẩm mỹ và thoát nước tự nhiên cho bề mặt.
Tại TP HCM, vật liệu này được thí điểm nhiều năm qua, thành phần chủ yếu là đá mi, sỏi màu các loại cùng với chất kết dính. Theo thiết kế, loại vật liệu không ảnh hưởng hô hấp của hệ rễ cũng như quá trình sinh trưởng chung của cây.
Ông Hải cho biết hàng cây giáng hương trên đường Trường Sơn là khu vực thí điểm khi thành phố sử dụng vật liệu này. Tuy nhiên do cây lớn nhanh khiến gốc bị chèn. Sau khi phát hiện sự cố, nhân viên đã xử lý nới rộng bồn ra giúp hàng cây phát triển bình thường.
Sau thời gian thí điểm, Sở Xây dựng đồng ý cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM triển khai vật liệu này với các cây xanh lớn, bị bêtông hóa quanh gốc, cây kém phát triển vì hố trồng hẹp. Những đường áp dụng gồm Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Đồng...
"Vừa qua vật liệu bêtông thấm nước đã triển khai ở đường Phạm Văn Đồng, Quốc Hương (TP Thủ Đức) cho kết quả tốt, đảm bảo mỹ quan, tăng không gian sử dụng công cộng", ông Hải nói.
Lê Tuyết