Làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM sáng 31/8, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - cho biết Sở sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về ngưng dạy thêm trong trường. Đơn vị này cũng đang tham mưu cho UBND TP HCM điều chỉnh Quyết định 21 về quản lý dạy thêm, học thêm đúng theo quy phạm pháp luật.
Trong thời gian chờ điều chỉnh, Sở Giáo dục không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hay ngoài trường. Điều này đã được quy định tại Thông tư 17/2012 trước đó về việc "không cho phép giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình". Giáo viên vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc.
"Hiệu trưởng cũng chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc giáo viên ép buộc học sinh tham gia học thêm", ông Hiếu nói và cho biết Sở ngừng cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm trong trường đồng thời phối hợp với các quận huyện thanh kiểm tra nhằm chấm dứt dạy thêm sai quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Lê Hồng Sơn cho hay, trước đây, việc dạy thêm trong trường tồn tại ở hai dạng: trường đứng ra tổ chức hoặc cho trung tâm bên ngoài thuê cơ sở vật chất để dạy thêm. Nay, quy định cấm dạy thêm trong trường được thực hiện thì phải ngưng luôn việc cho thuê.
"Chấm dứt dạy thêm và học thêm trong trường là việc cần thiết, phải làm nghiêm túc. Nhưng lắng nghe ý kiến của giáo viên thời gian qua, ngành giáo dục sẽ đề xuất lãnh đạo thành phố cho lộ trình hợp lý để thực hiện quy định này", ông Sơn nói.
Phản ánh với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nhiều lãnh đạo trường THPT cho rằng, việc cấm dạy thêm trong trường là vội vàng, thiếu căn cứ rõ ràng và sẽ gây nhiều khó khăn cho phụ huynh, học sinh.
"Chúng ta thừa nhận tiêu cực trong dạy thêm thời gian qua là có nhưng tỷ lệ thấp. Ngay như trường chúng tôi có 60 giáo viên dạy thêm thì chỉ 1-2 trường hợp tiêu cực. Do đó, chúng ta cần tìm cách chấn chỉnh, quản lý những biểu hiện sai trái này chứ không phải cấm như vậy", đại diện trường THPT Lê Minh Xuân (Bình Chánh) nói.
Trong khi đó, một số trường ở huyện lo lắng học sinh có nhu cầu học thêm sẽ phải di chuyển xa để vào trung tâm thành phố, đến các trung tâm văn hóa.
"Bây giờ học sinh ở Bình Chánh phải vào quận 6 hay quận 11 để học thêm. Những lúc kẹt xe, mưa to ngập nước, việc đi lại của các em thế nào? Ai quản lý nếu chúng ham chơi, xin ba mẹ đi học nhưng vào rạp chiếu phim, la cà quán cà phê?", bà Nguyễn Thị Hồng Chương - Hiệu trưởng trường THPT Tân Túc (Bình Chánh) - đặt vấn đề.
Theo thống kê của Sở Giáo dục, có khoảng một phần ba học sinh đang học thêm. Trong đó, 100.000 học sinh tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa; 190.000 học sinh THCS, THPT học thêm tại cơ sở dạy thêm trong trường và 30.000 em tham gia học tập tại các cơ sở ngoài nhà trường.
Việc dạy thêm, học thêm chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh lo cho các kỳ thi cuối cấp như tuyển sinh vào lớp 10 và cuối lớp 12. Đề thi THPT quốc gia hiện nay phân hóa rất lớn, nặng về kiểm tra kiến thức nên buộc nhiều học sinh phải học thêm.
Thực tế có hiện tượng dạy thêm bị biến tướng nhưng chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%. Một thực tế khác là nhiều trường dạy thêm để có thêm nguồn thu nhập cho giáo viên, trả công cho giáo viên và nhân viên mà trường phải hợp đồng thêm vì không có biên chế.
Mạnh Tùng