Ngoài ra, 5 việc cần làm ngay nữa đã được UBND TP HCM xác định là giao Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp Sở Khoa học Công nghệ nghiên cứu quy mô xây dựng 3-5 trạm quan trắc để đo cường độ động đất. Đồng thời trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên Môi trường, UBND thành phố quyết định bổ sung chức năng theo dõi, xử lý ứng cứu nhanh khi xảy ra động đất cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố và "cơ cấu" thêm một chức danh phó ban chuyên trách động đất cho ban này.
![]() |
Hoảng loạn xảy ra ở các nhà cao tầng khi có động đất. |
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua cũng đặc biệt lưu ý, yêu cầu các ban quản lý những dự án trọng điểm của thành phố như cầu Thủ Thiêm, Đại lộ Đông - Tây, cầu Phú Mỹ, dự án metro... rà soát lại tiêu chuẩn kháng chấn cho công trình một lần nữa. Mặc khác, ông Đua cũng đề nghị các nhà khoa học khi nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng động đất nhỏ có thể tham khảo, sử dụng những nghiên cứu địa chấn mà các nhà đầu tư đã thực hiện cho những dự án này để tận dụng thời gian thực hiện.
Điều làm giới chức lo lắng nhất là tình trạng các chung cư cũ trên địa bàn thành phố có nguy cơ sập kể cả khi không có động đất. Ông Đua yêu cầu các quận huyện, sở có phương án di dời ngay các hộ dân sống trong những chung cư sắp sập. "Ngành xây dựng cũng phải rà soát lại các quy chuẩn xây dựng cho phù hợp với điều kiện của thành phố có nhiều công trình quy mô lớn, theo quy hoạch, nhà xây dựng cao 40-60 tầng mặc dù nếu tính kháng chấn thì suất đầu tư cho công trình chắc chắn sẽ tăng. Nếu cần thì kiến nghị đến Bộ Xây dựng để nghiên cứu, xem xét lại quy chuẩn", ông Đua chỉ đạo cho Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp.
Trong khi đó, ông Hiệp cho rằng tất cả các công trình xây dựng tại TP HCM cũng như các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mặc dù có thể chưa tính đến kháng chấn trong trường hợp động đất gây chấn động cấp 7, nhưng đều đã đáp ứng tiêu chuẩn "chịu" được bão cấp 12. Theo ông Hiệp, nếu so sánh theo tác động lực sóng ngang thì khi các công trình có thể "chống" được bão cấp 12 thì hoàn toàn có khả năng chịu được động đất cấp 7. Tuy nhiên, độ tương thích giữa 2 tiêu chuẩn bão và động đất ở mức nào thì hiện nay chưa có nghiên cứu, quy chuẩn cụ thể nào của ngành xây dựng thể hiện.
Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Trần Chủng cho hay, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với Viện Vật lý địa cầu, Bộ Khoa học Công nghệ để tổ chức một cuộc hội thảo về tiêu chuẩn xây dựng trong vùng có động đất. Có thể các nhà khoa học sẽ xem xét lại quy định hiện nay cho phép các công trình xây dựng trong vùng có động đất nhỏ hơn cấp 6 thì không cần tính mức kháng chấn - một quy chuẩn gây nhiều tranh luận trong giới khoa học và ngành xây dựng tại TP HCM từ trận động đất tháng 8 đến nay.
Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Đình Xuyên thuộc Viện Vật lý địa cầu khẳng định, thời gian tới không có khả năng xảy ra động đất lớn hơn cường độ 5,5 độ richter như đã xảy ra hồi 14h55 ngày 8/11 tại khu vực phía Nam. Ông Xuyên cũng cải chính, trận động đất ngày 8/11 xảy ra tại rìa Đông Nam của đới đứt gãy Côn Sơn chứ không phải trên đới đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải như nhận định ban đầu của Viện Vật lý địa cầu.
Phan Anh