"Đã rất lâu rồi TP HCM chưa có một Khu công nghiệp nào mới, trong khi quỹ đất công nghiệp và số khu công nghiệp các tỉnh lân cận vượt trội rất nhiều", ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) nói tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, sáng 8/1.
Theo ông Hưng, giai đoạn 2010-2015, TP HCM vẫn đi đầu trong nhóm các tỉnh, thành có khu công nghiệp và đất công nghiệp. Các chỉ số kinh tế trong công nghiệp dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp của thành phố ngày càng hạn chế. "Tới thời điểm hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ còn khoảng 300 ha đất có thể cho thuê, khai thác được. Trong khi quy hoạch của thành phố có 5.800 ha đất công nghiệp", ông Hưng nói.
So sánh quỹ đất công nghiệp của thành phố với một số địa phương lân cận, ông Hưng cho biết hiện Tây Ninh có 11.000 ha đất công nghiệp (5 khu công nghiệp), con số này ở Bình Dương là 18.000 ha (32 khu công nghiệp), Đồng Nai có 28 khu công nghiệp. Các chỉ số thu hút công nghiệp của các tỉnh này bắt đầu vượt thành phố.
"Đây là vấn đề thành phố cần phải đặt ra để bàn bạc và Hepza sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố tạo, tìm kiếm quỹ đất. Từ đó thành phố mới có thể thu hút đầu tư cho giai đoạn sắp tới", ông Hưng nói và cho biết hiện trên địa bàn có những quỹ đất thành phố có sẵn đất sạch, nhưng bị vướng về pháp lý, các kết luận có liên quan nên chưa thể khai thác được. Đó là sự lãng phí tài nguyên.
Lãnh đạo Hepza cũng cho biết một nhiệm vụ trọng tâm được cơ quan này ưu tiên trong năm nay là tập trung tham mưu cho thành phố để kiến nghị Chính phủ thành lập khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh). Khu này có quy mô 668 ha và 90 ha là khu dân cư liền kề, nhà trọ, nhà ở cho công nhân.
Khu công nghiệp Phạm Văn Hai dự kiến hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung thu hút đầu tư ngành điện, điện tử, cơ khí tự động hóa, hỗ trợ khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động và không gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Hepza cũng sẽ tham mưu thành phố chuyển đổi dần các khu công nghiệp, khu chế xuất không còn phù hợp trong giai đoạn sắp tới. Hiện, một số khu đã trải qua hơn nửa chu kỳ sử dụng. Các nhà máy, xí nghiệp từ khi hình thành cho đến nay đã lạc hậu dần.
Cụ thể, thời gian qua Hepza đã liên kết với Đại học Kinh tế xây dựng đề án chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất cho giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2040 - khi thời gian đầu tư của khu công nghiệp đầu tiên kết thúc. "Hepza cũng cần sự phối hợp của các sở ngành, địa phương trong kế hoạch tổng thể chung này của thành phố", ông Hưng nói.
Ngoài ra, theo ông Hưng từ khi thành lập năm 1992 Hepza đã thực hiện cơ chế một cửa với tất cả đầu mối tại Ban quản lý như cấp phép đầu tư, xây dựng, lao động, môi trường... nhưng từ năm 2017, khi các văn bản pháp luật ra đời, các doanh nghiệp phải liên hệ từng sở ngành, UBND quận huyện.
Ngay đầu năm 2021, Ban quản lý đã trình UBND thành phố cơ chế phân cấp các nội dung liên quan và đã được Sở Tư pháp, Nội vụ thẩm định. Tuy nhiên, do dịch căng thẳng, hiện kiến nghị chưa được giải quyết. Ban quản lý mong Thường trực UBND thành phố sớm giải quyết kiến nghị trên để đơn vị thực hiện nhiệm vụ thuận lợi nhất", lãnh đạo Hepza nói.
Thành phố hiện có 19/23 khu chế xuất và khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích hơn 4.500 ha, chiếm 76,78% quy mô diện tích đất quy hoạch dành cho phát triển khu công nghiệp tính đến năm 2020 (hơn 5.900 ha). Trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 63%.
Hiện, thành phố còn 4 khu công nghiệp chưa thành lập. Trong đó, 3 khu đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương không thực hiện quy hoạch, đó là: Bàu Đưng (175 ha), Phước Hiệp (200 ha), Xuân Thới Thượng (300 ha). Đây là những dự án đã nằm trong quy hoạch 13 năm nhưng chưa được triển khai.
Năm 2017, thành phố đã có công văn gửi Thủ tướng xin chủ trương đưa 3 khu công nghiệp trên ra khỏi quy hoạch, đồng thời bổ sung khu công nghiệp Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (668 ha) vào quy hoạch để đảm bảo tổng quỹ đất khu công nghiệp thành phố được duyệt là 7.000 ha.
Hữu Công