Chiều 3/8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, ông Lê Hồng Sơn (Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP HCM) cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) vừa yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, Phòng giáo dục quận, huyện rà soát và lập danh sách các thí sinh, cán bộ, giáo viên thuộc diện F0-F2.
Đây là những người chưa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt một, theo quy định của Bộ GD&ĐT. Danh sách sẽ hoàn thành trong ngày 5/8, được sắp xếp cho phù hợp ngay hôm sau.
"Phòng thi dự phòng, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay... đã được chuẩn bị đầy đủ ở từng điểm thi. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã sẵn sàng", ông Sơn nói.
Trả lời VnExpress về việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho thí sinh, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, ở mỗi điểm thi các em sẽ được đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi và đều có những khu vực dự phòng cho các trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe.
100% cán bộ coi thi được tập huấn kỹ công tác phòng chống dịch. Phương châm là ai làm nhiệm vụ gì phải hiểu nhiệm vụ đó, làm đúng các quy tắc, đảm bảo an toàn.
Giữa tuần này, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM sẽ tập huấn cho trưởng các điểm thi. "Chúng tôi đã yêu cầu trưởng điểm thi hoặc hiệu trưởng trường điểm thi có báo cáo cụ thể với UBND quận, huyện cần bao nhiêu công an, lực lượng hỗ trợ để giải tỏa nhanh thí sinh sau giờ thi, tránh tụ tập đông người", ông Hiếu cho biết.
Từ nay đến trước ngày thi, tất cả thí sinh được lấy tờ khai y tế. Ngành giáo dục và y tế sẽ phối hợp để sàng lọc, phân loại thí sinh, có phương án sắp xếp chỗ thi đảm bảo an toàn.
Ban chỉ đạo kỳ thi ở TP HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Y tế có chỉ đạo cụ thể các vấn đề có liên quan đến quy chế thi, tính bảo mật, an toàn của kỳ thi, xây dựng các phương án đề phòng các tình huống có thể xảy ra.
Thành phố cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép không tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi chung 10 bài thi theo quy chế, nên chia nhỏ theo các tổ để. Bởi nếu làm theo quy chế, thành phố sẽ phải tập trung cùng lúc hơn 600 nhân sự - không đảm bảo việc giãn cách phòng chống dịch.
Năm nay, TP HCM có khoảng 75.000 em dự thi tốt nghiệp THPT tại 115 điểm với hơn 3.160 phòng. Theo Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, thành phố đã có nhiều phương án đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ coi thi trước diễn biến phức tạp của Covid-19.
Đề thi đã được Sở GD&ĐT nhận từ Bộ GD&ĐT từ cuối tháng 7, sau đó giao cho ban in sao đề thi. Việc tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản có sự giám sát 24/24 của công an thành phố. Điểm in sao được lựa chọn, bố trí theo phương án cách ly.
Nơi in sao đề thi có 72 cán bộ chia làm 3 vòng. Vòng một có 60 người, trưởng ban là lãnh đạo Hội đồng thi; ủy viên, thư ký là viên chức của Sở GD&ĐT hoặc trường phổ thông và một cán bộ Công an TP HCM giám sát. Vòng hai gồm 3 người là công an, thanh tra ủy quyền của Bộ Giáo dục, thanh tra của Sở Giáo dục. Vòng cuối có 2 công an trực 24/24 theo ca.
Mỗi ca trực còn có các thành viên ban chỉ đạo kỳ thi, nhân viên phục vụ. Tất cả những người tham gia in sao đều thực hiện tờ khai y tế, được xét nghiệm Covid-19, không thuộc diện F0-F4.
Hằng ngày, đề thi được vận chuyển từ chỗ in sao đến các điểm thi lúc 4h30 và nhận bài thi vào cuối ngày. Đề thi và các bài thi được đựng trong túi theo quy định, niêm phong và đóng gói theo phòng, không để qua đêm ở điểm thi.
Việc vận chuyển bài thi và đề thi luôn có sự giám sát 24/24 của công an thành phố. Phòng chứa đề tại các điểm thi và phòng chứa bài thi tại điểm chấm có camera quan sát liên tục.
Với công tác coi thi, thành phố huy động 12.000 cán bộ, giáo viên tham gia. Sau đó, hơn 2.000 người làm công tác chấm thi, trong đó chấm tự luận 520 người, trắc nghiệm 150 người, làm phách bài thi hơn 700 người.
Ban chỉ đạo thi sẽ tổ chức rà soát lịch sử di chuyển, tình trạng sức khỏe, đảm bảo 100% cán bộ tham gia không thuộc diện F0-F4.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đánh giá lần tổ chức thi tốt nghiệp THPT này đặc biệt bởi diễn ra trong bối cảnh Covid-19 quay trở lại. Quan điểm của lãnh đạo TP HCM là tổ chức kỳ thi an toàn, chính xác và khách quan, không để xảy ra gian lận.
"Đây là cuộc hợp đồng tác chiến. Việc phối hợp giữa các đơn vị, các quận, huyện chức năng hết sức quan trọng, trong đó ba đơn vị chủ lực là giáo dục, y tế và công an", ông Đức nói.
Sáng 3/8 họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GD&ĐT thực hiện theo đúng Luật Giáo dục - tức Bộ trưởng quyết định kỳ thi tốt nghiệp THPT, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản hoàn tất. Bộ đã họp với ban chỉ đạo kỳ thi ở các địa phương, rà soát lần cuối và xem xét tình hình dịch bệnh để lựa chọn phương án. Phần lớn địa phương thể hiện quyết tâm, sẵn sàng cho kỳ thi.
Bộ GD&ĐT quyết định các địa phương không trong diện cách ly xã hội phải cam kết bảo đảm an toàn tổ chức kỳ thi theo kế hoạch vào ngày 9-10/8. Thí sinh ở địa phương cách ly xã hội hoặc thuộc diện F1 (phải cách ly tập trung), F2 (tiếp xúc F1) sẽ được tổ chức thi sau. Bộ sẽ chỉ đạo các đại học có phương án tuyển sinh phù hợp với những học sinh thi đợt sau.
Ngày 9-10/8, khoảng 900.000 thí sinh cả nước sẽ dự thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển đại học. Các em sẽ phải làm 3 bài thi bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài thi Khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).