Khác với hai gói trước, ở đợt hỗ trợ này thành phố sử dụng công nghệ để sàng lọc danh sách. Việc này được giao cho Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Phần mềm do QTSC sẽ đối chiếu khoảng 7,3 triệu người cần giúp đỡ từ 312 phường, xã, thị trấn toàn thành phố gửi và gần 2 triệu người thuộc nhóm không được hỗ trợ do cơ quan bảo hiểm cung cấp.
Theo Nghị quyết 97 mới được HĐND TP HCM thông qua, nhóm không được hỗ trợ lần này là người có lương hưu, hưởng trợ cấp mất sức lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội, được doanh nghiệp trả lương trong tháng 8/2021. Danh sách này do Bảo hiểm TP HCM quản lý.
Ông Lâm Quân Minh Vương, Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận (quận 12), cho biết nửa tháng trước khi thành phố có phương án thực hiện gói hỗ trợ đợt 3, dựa vào danh sách hai đợt trước, cán bộ tổ dân phố, khu phố, công an khu vực đến từng nhà dân để lấy thêm thông tin người cần giúp đỡ. Cùng lúc đó, cơ quan bảo hiểm xã hội TP HCM gửi danh sách những người thuộc nhóm không được hỗ trợ, sống ở địa bàn, để đối chiếu.
"Từ các nguồn dữ liệu này, chúng tôi rà soát bước đầu, loại một số trường hợp không đúng tiêu chí để có danh sách 'thô' đầu tiên", ông Vương nói. Sau đó, danh sách này được gửi lên QTSC. Tại đây, phần mềm của QTSC sẽ dựa vào số liệu của địa phương và Bảo hiểm TP HCM để rà soát, bóc tách những người không được hỗ trợ. Những trường hợp trùng tên hoặc thiếu thông tin được lọc ra, lập danh sách, gửi về địa phương thẩm tra, bổ sung.
Ông Vương cho hay, sau khi QTSC gửi số liệu về, địa phương một lần nữa kiểm tra, đến tận nhà xác minh, bổ sung thông tin như yêu cầu. Danh sách sau đó tiếp tục gửi lên cho QTSC sàng lọc lần thứ hai. Khi đã hoàn chỉnh, QTSC sẽ trả lại phường để thẩm định lần thứ ba, thống nhất thông qua và chuyển lên quận phê duyệt, trình thành phố cấp kinh phí.
Theo Chủ tịch phường Đông Hưng Thuận, so với hai đợt trước, quy trình rà soát danh sách đợt thứ 3 nhiều bước và tốn thời gian hơn, nhưng chặt chẽ nhằm không bỏ sót người khó khăn. Trong lần này, lượng người được hỗ trợ quá lớn nhưng lại phải loại trừ một số nhóm, áp dụng công nghệ sẽ giúp địa phương hạn chế sai sót.
Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 12 Nguyễn Văn Xem, cho hay theo danh sách thống kê bước đầu, địa phương có khoảng 670.000 người cần giúp đỡ. Hiện các phường phối hợp QTSC để tách lọc danh sách. Nếu xong sớm, hai ngày nữa quận có danh sách hoàn chỉnh làm cơ sở chuyển tiền cho người dân.
Tương tự, tại quận 11, sau khi nhận danh sách tách lọc lần thứ nhất từ QTSC, các phường đang bổ sung thông tin, cập nhật thêm người khó khăn còn sót trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND quận Trần Thị Bích Trâm cho biết ở hai đợt trước danh sách lập thủ công nên các trường hợp nhầm lẫn số chứng minh thư, điện thoại vẫn được thông qua miễn đúng người, địa chỉ. Tuy nhiên trong lần này, với sự tham gia của công nghệ, dữ liệu phải chính xác, đầy đủ tuyệt đối bởi chỉ sai một con số, phần mềm sẽ cho ra người khác hoặc báo lỗi.
"Ở đợt rà soát này, cán bộ cơ sở phải rất cẩn thận, người dân cần cung cấp thông tin chuẩn chỉnh", bà Trâm nói và cho biết thêm sau khi các phường hoàn thiện danh sách, quận sẽ ký biên bản thẩm định làm cơ sở QTSC đẩy dữ liệu lên ứng dụng. Địa phương dự kiến có hơn 160.000 người ở địa bàn cần giúp đỡ.
Theo bà Trâm, các thao tác của việc hỗ trợ sẽ thực hiện trên ứng dụng như trích xuất, kiểm tra danh sách và báo cáo hoàn tất chi. Cán bộ phường sẽ dựa vào những thông số đó để giải thích cho người dân nếu có khiếu nại, thắc mắc.
Mới đây, HĐND TP HCM đã thông qua Nghị quyết về gói hỗ trợ thứ 3 với kinh phí trên 7.300 tỷ đồng, giúp đỡ 7,3 triệu người. Khác với những đợt trước, lần này hỗ trợ không tính hộ mà theo nhân khẩu, mỗi người nhận một triệu đồng.
Những người được hỗ trợ đợt 3 gồm: thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, người hưởng chế độ trợ cấp xã hội có hoàn cảnh khó khăn; lao động bị mất việc, không có thu nhập trong thời gian giãn cách kéo dài và đang có mặt ở địa phương; người phụ thuộc gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng ở nhà nội trợ, con của hộ khó khăn đang sống trên địa bàn; người ở tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, xóm nghèo...
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, các địa phương có số người cần giúp đỡ nhiều nhất là TP Thủ Đức với gần 857.000 người, huyện Bình Chánh hơn 856.000 người, huyện Củ Chi gần 500.000 người... Các quận trung tâm như 1, 3, 4, 5, 10 cũng dao động 90.000 - 150.000 người, thấp nhất là huyện Cần Giờ hơn 66.000 người.
Từ 31/5 đến nay, TP HCM áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội với cấp độ thắt chặt, trong đó từ ngày 23/8 đến nay, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà, "ai ở đâu yên đó". Ngoài gói 7.300 tỷ đồng chuẩn bị giải ngân, TP HCM có hai gói hỗ trợ riêng với tổng kinh phí gần 6.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên lao động tự do, hộ khó khăn. Ngoài ra, thành phố cấp 14.000 tấn gạo và hơn 2 triệu túi an sinh cho người dân.
Lê Tuyết