Theo báo cáo vừa được công bố của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về giám sát phát thải khí nhà kính, lượng khí thải trong năm 2013 của TP HCM khoảng 38,5 triệu tấn CO2.
Đây là lần đầu việc kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính được thực hiện tại TP HCM. Theo chuyên gia Nhật Bản, việc này giúp định lượng cụ thể các nguồn gây phát thải khí nhà kính và dự báo được lượng phát thải trong tương lai.
Con số này cao nhất trong các tỉnh thành tại Việt Nam và chiếm khoảng 16% tổng lượng phát thải của cả nước, tương đương với toàn nước New Zealand, gần bằng một nửa lượng phát thải của thành phố Tokyo (Nhật Bản).
Trong đó, 46% lượng phát thải do sử dụng năng lượng từ các nguồn cố định như: các tòa nhà (dân cư, thương mại, hành chính và cơ sở hạ tầng); sản xuất công nghiệp và xây dựng; nông lâm nghiệp và thủy sản; phát tán từ dầu và khí thiên nhiên. Chiếm 45% là các hoạt động giao thông, 6% là chất thải, phần còn lại đến từ hai nguồn khác.
Nếu so sánh 91 thành phố tham gia vào chương trình mạng lưới các thành phố đối phó với biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính trên bình quân đầu người của TP HCM lại cùng mức với thành phố Seoul, London... mặc dù TP HCM phát triển kinh tế ít hơn so với các thành phố này.
Còn nếu tính theo GDP bình quân đầu người, lượng phát thải khí này thuộc nhóm cao nhất trên thế giới - khoảng 4.157 tấn/người.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường, TP HCM là một trong những thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu.
Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho trái đất, gây nên hiệu ứng nhà kính.
Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC có tác dụng giữ lại nhiệt của mặt trời, không cho nó phản xạ đi. Các khí nhà kính tồn tại vừa phải sẽ giúp cho nhiệt độ trái đất không quá lạnh, nếu quá nhiều trong khí quyển sẽ khiến trái đất nóng lên.
Hữu Nguyên