Đó là tình cảnh công ty tôi lúc 19h ngày 26/9. Thay vì đã về nhà ăn uống nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, chúng tôi bị kẹt lại ở công ty, thậm chí còn tham gia lao động công ích chống ngập. Tôi không thấy có sự khác biệt nhiều lắm giữa tôi của ngày hôm đó với tôi của những ngày thơ bé, vừa tát nước vừa nghịch trong căn nhà đơn sơ sau lũ ở miền Trung. Chỉ có điều, mùi nước ngập ở thành phố hiện đại nhất Việt Nam hôi thối hơn mùi nước lũ quê tôi.
Dù đã quen với mưa lụt ở TP HCM, trận ngập lịch sử này khiến tôi băn khoăn, liệu cơn mưa có phải là lý do duy nhất. Điều gì đã khiến nước đổ vào thành phố như lũ? Công tác trong ngành xây dựng, tôi thường tiếp xúc với các số liệu quy hoạch, địa hình. Tôi hiểu một điều cơ bản liên quan đến địa hình của vùng đất này. TP HCM vốn thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Theo đo đạc thì vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc và một phần Tây Bắc, trung bình 10 đến 25 mét. Ngược lại, vùng trũng nằm ở phía Nam - Tây Nam và Ðông Nam thành phố, có độ cao trung bình trên dưới một mét. Vậy, Đông - Tây - Nam - Bắc là ở đâu của thành phố?
Khu đô thị Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Trước mặt khu Đông chính là quận 1, 3, 5. Khu đô thị Nam gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và một phần diện tích của quận 8 (phần phía nam kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh. Khu đô thị Bắc gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn. Cuối cùng là khu đô thị Tây gồm quận Bình Tân, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh.
Với địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và với nguyên tắc vật lý cơ bản: nước chảy chỗ trũng thì vùng phía Nam là vùng thấp, nên nó là vùng thoát nước của thành phố. Mà vùng phía Nam chính là Phú Mỹ Hưng - Quận 7 hiện tại. Khi tiến hành phát triển phía Nam, xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng và đại lộ Nguyễn Văn Linh, người ta đã thực hiện song song: nâng nền khu đất phía Nam và san lấp các kênh rạch thoát nước của thành phố. Điều này dẫn đến tình trạng khi mưa lớn, nước sẽ phải chạy lòng vòng tìm các hố ga, ao hồ để thoát. Khi ao hồ vượt quá sức chứa, nước sẽ dồn ứ lên vỉa hè, đường sá. Nguyên nhân quận 1, 3, 5... ngập là vậy. Chính vì khu thoát nước phía Nam đã bị san lấp nên kênh rạch, ao hồ, ở trung tâm không chịu nổi sức chứa.
Với địa hình thấp từ Tây sang Đông, khi thành phố ngập, khu bến xe miền Tây và khu Bình Tân sát quận 6 là thê thảm nhất. Nhưng phía thấp để khu Tây thoát nước là khu Đông lại đã nâng nền, dẫn đến khu Bình Tân gặp đúng tình trạng như trung tâm: nước không thể chảy về phía thấp để thoát và cứ lơ lửng chảy tràn. Phía Đông có lợi thế là sông Sài Gòn cùng các con kênh dọc quanh nó. Nhưng sông Sài Gòn và các con kênh giờ phải hứng một lượng nước quá lớn do phía khu Nam không còn thoát nước, nên không đủ sức chứa thêm nước từ Bình Tân đưa xuống. Cuối cùng cả thành phố bốn mặt Đông Tây Nam Bắc đều ngập.
Tôi gọi đó là một vòng luẩn quẩn của nước. Đấy là lý do thành phố đổ bao nhiêu tiền mà không chống ngập được. Quy hoạch ngay từ đầu đã sai. Làm sao có thể bứng nguyên cả khu Phú Mỹ Hưng - Quận 7 đi nơi khác? Thành phố đã không đánh giá hết về Thủ Thiêm. Chính Thủ Thiêm mới là điểm cần đầu tư để phát triển trước. Chỉ sau khi đô thị hóa xong bán đảo Thủ Thiêm, tạo cú hích cho kinh tế và bất động sản, ta mới có đủ tiềm lực để đi tiếp mở rộng ở khu Nam. Nhưng mọi thứ đã được làm ngược lại. Để rồi trong quá trình xây dựng quận 7, chúng ta mải miết đô thị hóa mà không tính đến phương án thoát nước cho cả thành phố.
Theo tôi, vẫn có cách khắc phục. Nước thoát được khi kênh rạch, hồ, đập đủ lớn để làm chỗ chứa nước cho thành phố khi mưa lớn. Vấn đề là ai cũng tham lam đầu tư, nâng nền, bán đất, ai cũng giành nhau từng mét vuông đất để bỏ túi cho mình, ai cũng thích san lấp. Không ai hy sinh, pháp quyền thì chưa đủ nặng với doanh nghiệp bất động sản thiếu hạ tầng thoát nước, chính phủ cũng thoải mái với những dự án mà doanh nghiệp sẵn sàng lót tay. Còn mưa tất nhiên sẽ vẫn tiếp tục đổ xuống thành phố.
Nếu không nhìn thấy và giải quyết sự việc từ nguyên nhân gốc rễ là vấn đề quy hoạch, tôi và bao người khác, sẽ lại vẫn ngồi tát nước, dù chỉ để khô ráo dưới chân mình.
Dũng Phan