Trong kiến nghị của Ban Dân dụng công nghiệp thành phố vừa gửi Sở Xây dựng TP HCM để đẩy nhanh sửa chữa sân Thống Nhất, các khán đài A, C, D sẽ được cải tạo công trình chức năng như phòng vận động viên, VIP, thử doping, y tế, vệ sinh... Khu vực sân, đường chạy thay mới mặt nhựa, hệ thống thoát nước, mặt cỏ, mở rộng sân cỏ hai đầu cầu môn, mỗi đầu 2,5 m...
Ngoài ra, sân xây thêm khu khán đài B, C1, D1 với quy mô ba tầng, các hạng mục được làm mới như máy lạnh, PCCC, hệ thống chống sét, thảm cỏ. Tổng kinh phí cải tạo, nâng cấp dự án hơn 149 tỷ đồng.
Theo Ban Dân dụng công nghiệp TP HCM, trong kế hoạch, tháng 1/2025 sân vận động sẽ bàn giao mặt bằng để sửa chữa, hoàn thành vào cuối năm, kịp phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 10.
Thống Nhất là sân vận động lâu đời nhất Việt Nam, xây từ năm 1929 và hoàn thành sau đó hai năm. Ban đầu sân được đặt tên là Renault - Chủ tịch Ủy hội thành phố Chợ Lớn thời bấy giờ. Năm 1960, sân có tên gọi mới là Cộng Hòa sau khi nâng cấp. Công trình được đổi sang tên Thống Nhất vào 2/9/1975.
Với sức chứa có lúc lên tới 18.000 người, Thống Nhất từng là sân lớn nhất nước, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của thể thao Việt Nam, nhất là các trận đấu bóng của tuyển quốc gia. Tuy nhiên do xuống cấp, cùng với sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) hoàn thành năm 2003, các trận thi đấu của tuyển Việt Nam ở sân Thống Nhất ngày càng thưa thớt.
TP HCM dân số gần 10 triệu người (thống kê năm 2020), là nơi có nhu cầu rất lớn về tập luyện thể dục, thể thao, song các nhà thi đấu còn ít, chưa đáp ứng kịp. Ngoài sân Thống Nhất xuống cấp, thành phố còn có nhiều dự án thể thao chậm trễ kéo dài, điển hình như dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, quy mô 466 ha), nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3)...
Lê Tuyết