UBND TP HCM vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, vận động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đầu tư khác cho dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) với tổng số tiền 7.900 tỷ đồng (khoảng 380 triệu USD).
Số tiền này sẽ dùng để đầu tư nạo vét, nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu cho nhu cầu tiếp nhận tàu có trọng tải trên 50.000 tấn ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp.
Theo UBND TP HCM, luồng hàng hải Soài Rạp là yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc phát triển kinh tế biển của địa phương và các tỉnh lân cận, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách (nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu của thành phố năm 2014 đạt hơn 89.100 tỷ đồng, chiếm 35% tổng thu ngân sách thành phố).
Hồi tháng 8, TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư 300 tỷ đồng để duy tu, nạo vét luồng Soài Rạp (nối TP HCM với biển Đông) vì đây là luồng tàu biển mới được hình thành nên sa bồi diễn ra nhanh (2,5 triệu m3 mỗi năm), ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của tàu biển.
Khởi công cuối tháng 11/2012 và hoàn thành sau 18 tháng, dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) có tổng chiều dài 54 km được thực hiện trên diện tích 1.308 ha mặt nước sông ở TP HCM, Long An và Tiền Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ và vốn đối ứng của TP HCM (624 tỷ đồng).
Theo tính toán, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120-150 triệu tấn. Vì vậy, nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng luồng và trả nợ vay của Chính phủ Bỉ trong 10 năm chỉ khoảng 4.810 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng khoản thu.
Cùng với luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luồng tàu biển Soài Rạp giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển quan trọng bậc nhất đất nước, thương cảng quan trọng trong khu vực. Nhờ tuyến đường biển mới này, tàu thuyền lớn từ biển Đông và từ Đồng Bằng sông Cửu Long vào TP HCM có thể rút ngắn rất nhiều lộ trình.
Trung Sơn