Các đề xuất trên được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại buổi làm việc giữa Thành uỷ thành phố với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sáng 18/10.
Theo đó, thành phố muốn tự xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình; bỏ lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển theo quy định tại Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như hiện nay với các dự án về cảng biển (kể cả dự án lấn biển)...
Liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, thành phố đề xuất được bồi thường bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, hoặc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm; tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập với các dự án nhóm B; được thu hồi đất dọc dự án hạ tầng để đấu giá thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.
Về bồi thường, TP HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có cơ chế để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người có đất trong các dự án mà nhà đầu tư đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 80% người dân và 80% diện tích đất dự án trở lên.
Trong công tác quản lý, thành phố đề xuất cho UBND các cấp được dùng hình ảnh ghi nhận từ camera, smart phone để xử phạt trực tiếp vi phạm vệ sinh nơi công cộng (xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định); ngắt điện, nước công đoạn sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ môi trường...
Với lĩnh vực môi trường, lãnh đạo thành phố muốn Trung ương phân cấp cho TP HCM thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng.
Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất cho thành phố thí điểm hoặc phân cấp để địa phương tự làm. Các nội dung này dự kiến cũng được TP HCM đưa vào nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho thành phố sắp tới.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá nhiều đề xuất của TP HCM có cơ sở xác đáng và đề nghị lãnh đạo thành phố hoàn thiện các đề xuất để trình Chính phủ.
Cũng theo ông Hà, tỷ lệ đất nông nghiệp của TP HCM hiện chiếm 53,4% là rất lớn, thành phố cần tính toán phương án sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích, tăng hiệu quả đất đai và giúp dân khai thác hợp lý hơn. "Thành phố không nên xem đất nông nghiệp đơn thuần là kinh tế nông nghiệp, mà đó là không gian môi trường, thương mại, dịch vụ, du lịch, lâm nghiệp, sản xuất dược liệu", ông nói.
Trước đó, làm việc với TP HCM hôm 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã thống nhất với lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và Thường trực Ban bí thư tinh thần là phải cho thành phố một cơ chế thuận lợi để có thể năng động hơn. Theo đó, thành phố sẽ được thí điểm, đi trước một số lĩnh vực và có chính sách cụ thể.
Thái Anh