Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại buổi giám sát của HĐND về thực hiện chương trình nhà ở thành phố giai đoạn 2016-2021. Bởi với quy trình như hiện tại kéo dài tới 500 ngày, qua nhiều thủ tục sẽ khiến doanh nghiệp ít mặn mà đầu tư, xây dựng những dự án nhà ở xã hội mà TP HCM rất muốn đẩy nhanh phát triển.
"Quy trình mới sẽ thống nhất thời gian giải quyết cho mỗi sở ngành, đơn vị nào để chậm phải chịu trách nhiệm", ông Mãi nói và cho biết với các dự án đang triển khai, hàng tuần Sở Xây dựng đều mời các chủ đầu tư đến báo cáo, cam kết tiến độ thực hiện, hỗ trợ giải quyết nếu vướng mắc.
Trước đó, tại buổi giám sát chương trình nhà ở hồi giữa tháng 6 năm nay, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội quá phức tạp và kéo dài khiến doanh nghiệp lo ngại, ít quan tâm. Đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp lẽ ra cần được ưu tiên nhưng trên thực tế việc triển khai lại khó khăn hơn so với dự án nhà ở thương mại.
Do nhiều vướng mắc, 13 dự án hiện chủ đầu tư đã xong bồi thường, giải phóng mặt bằng (vốn là khâu mất thời gian nhất) nhưng chưa thể xây dựng. Mới đây, lãnh đạo UBND TP HCM giao nhiệm vụ đến tháng 6 này phải ban hành cho được quy trình rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
"Việc rút ngắn thời gian thủ tục nhà ở xã hội là do thành phố tìm mọi cách linh hoạt để giảm các khâu không cần thiết, song không thể nằm ngoài quy định các luật liên quan", ông Khiết nói.
Thống kê giai đoạn 2016-2020, TP HCM phát triển được hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, giải quyết chỗ ở hơn 66.000 người. Trong đó, 19 dự án với gần 15.000 căn hộ, giá trị đầu tư xây dựng được thẩm định cao nhất là 15,5 triệu mỗi m2. Tuy nhiên trong giai đoạn này, chỉ một dự án nhà lưu trú công nhân được đưa vào sử dụng với 756 phòng, đáp ứng 4.600 chỗ ở (đạt 13% kế hoạch).
Theo khảo sát của Liên đoàn lao động thành phố, khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình mỗi phòng 14 m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Công nhân dành 10-15% thu nhập để chi trả chỗ ở.
Tại buổi tiếp xúc cử tri cuối năm ngoái, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận thành phố đón lượng lớn người lao động đến, góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa đầu tư đúng mức. Sắp tới, thành phố sẽ xây một triệu nhà giá rẻ thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu nhà trọ... để công nhân, người thu nhập thấp dễ tiếp cận.
Lê Tuyết