Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, UBND TP HCM đề xuất định hướng mở trong biên chế năm học.
Thay vì quy định mỗi năm học 9 tháng như hiện nay, có thể cơ cấu giờ học, tiết học linh hoạt (học một buổi, hai buổi hoặc cả ngày) để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương.
Các trường có thể rút ngắn hoặc giữ nguyên thời gian 9 tháng trong năm tùy điều kiện của mình.
Bên cạnh phương pháp học truyền thống, một số hình thức học tập không chính quy, học qua Internet cần được nghiên cứu và luật hóa. Các địa phương có thể thí điểm thực hiện một số mô hình trường học mới - chẳng hạn như mô hình trường tiên tiến đang áp dụng tại TP HCM.
Thành phố cũng đề xuất cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm địa phương.
Nhằm đảm bảo mục tiêu học tập suốt đời, tăng tính phân luồng, bên cạnh hệ thống trường năng khiếu về thể dục thể thao, TP HCM đề nghị xây dựng hệ thống các trường chuyên về thẩm mỹ, nhạc, họa giúp đào tạo chuyên sâu từ nhỏ cho những học sinh sớm bộc lộ năng khiếu.
Đồng thời, ngành giáo dục sẽ nghiên cứu thêm các quy định để học sinh nước ngoài có thể học tập chương trình phổ thông của Việt Nam tại các trường công lập.
Nhà giáo được hưởng đãi ngộ như quân đội, công an
Theo UBND TP HCM, luật Giáo dục hiện định nghĩa "nhà giáo" không gồm các cán bộ quản lý giáo dục nên gây khó khăn khi điều chuyển, bổ nhiệm các nhà giáo giỏi về đơn vị quản lý giáo dục như Sở Giáo dục, các phòng giáo dục cấp huyện.
Do đó, thành phố kiến nghị cần quy định "Nhà giáo là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác hoặc đã có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác".
Quan điểm của thành phố là phải xem nhà giáo là đội ngũ đặc biệt, có chế độ đãi ngộ đặc biệt, tương tự như quân đội, công an… để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành sư phạm. Cần nâng chuẩn theo quy định của giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học tối thiểu có bằng tốt nghiệp cao đẳng.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, thành phố sẽ dạy thử nghiệm bộ sách giáo khoa riêng để đánh giá, chỉnh sửa rồi mới áp dụng chính thức vào năm 2020.
Ngành giáo dục TP HCM cũng từng đề xuất tự thực hiện kiểm tra, đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2017 nhưng không được Bộ Giáo dục đồng ý, bởi đề án phát triển giáo dục và đào tạo có phương án thi và xét tốt nghiệp riêng của TP HCM chưa hoàn thiện.