Tại buổi làm việc với 7 tỉnh thành về kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề xuất bổ sung mới 5 tuyến đường có tổng chiều dài hơn 239 km; từ 4 đến 6 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn từ 2020-2025 và sau 2025.
Các tuyến giao thông kết nối được đề xuất bổ sung gồm: đường ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối với sông Sài Gòn (TP HCM); đường nối từ nút giao Gò Công (Tiền Giang) qua sông Đồng Nai kết nối Quốc lộ 20, Quốc lộ 1; đường nối Quốc lộ 14 với Chơn Thành (Bình Phước), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thuận An (Bình Dương) và cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát (Tây Ninh)...
Các tỉnh thành cũng thống nhất kiến nghị kéo dài 10 trục đường chính đã quy hoạch với tổng chiều dài hơn 727 km, tổng mức đầu tư khoảng 62.000 tỷ đồng.
Bao gồm: trục khép kín Vành đai 4 qua khu vực Cần Giờ và kết nối với đường liên cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) qua cầu Phước An (Đồng Nai); điều chỉnh kết nối giữa trục đô thị số 4 với cao tốc Bến Lức - Long Thành và sân bay Long Thành (Đồng Nai); đường Vành đai 4 nhằm giảm áp lực cho cao tốc Long Thành - Dầu Giây khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác; điều chỉnh hướng tuyến vành đai Bắc Biên Hòa qua sông Đồng Nai đi Bình Dương để kết nối với đường Vành đai 3 TP HCM...
Trước mắt, Sở GTVT TP HCM kiến nghị sớm xây dựng đường Vành đai 3. Công trình này xây dựng làm 4 giai đoạn nhưng vẫn còn triển khai chậm, một số đoạn chưa xác định được nguồn vốn đầu tư. Tuyến đường đi qua địa phận TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An chạy dọc theo tuyến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn với tổng chiều dài hơn 89 km. Trong đó làm mới khoảng 73 km, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3 km hiện được tỉnh Bình Dương đầu tư.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, thành phố đang cân đối nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên tinh thần ứng vốn làm trước, hoàn vốn sau.
"Sở GTVT sẽ cung cấp danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư hoặc khởi công mới để các thành viên trong vùng biết, chủ động phối hợp, nhất là trong giải phóng mặt bằng, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh thành bố trí, thực hiện các dự án mang tính đồng bộ hơn", ông Cường nói.
Theo Sở GTVT TP HCM, thời gian qua, thành phố đã phối hợp các tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh… tích cực thực hiện nhiều kế hoạch nhằm đấu nối cục bộ giữa các địa phương đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện theo quy hoạch chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương do vấn đề về nguồn vốn đầu tư.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng chưa phát huy được hết. Quy hoạch, liên kết vùng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải cho phù hợp.
Hữu Công