"Ở nước ngoài người ta đi bộ rần rần. Còn người dân thành phố chưa có thói quen này, thậm chí 100 m cũng xách xe đi. Chúng ta nên nghĩ đến việc vận động cán bộ công chức, phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo… đi bộ đi làm, đi học", ông Lê Văn Khoa nói tại buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải chiều 17/2 về các giải pháp giảm ùn tắc.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề giao thông cũng nhìn nhận thực tế "lề đường của mình chưa được thông thoáng", nên trước tiên thành phố phải quyết liệt lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.
"Cán bộ, công nhân viên có nhà và nơi làm việc, trường học, trong phạm vi 3 km trở lại có thể đi bộ đi làm. Cái lợi là cá nhân tăng sức khỏe, tiết kiệm. Xã hội được lợi là bớt ô nhiễm, góp phần giảm kẹt xe", ông Khoa gợi ý.
![tp-hcm-muon-can-bo-nguoi-dan-di-bo-de-giam-ket-xe](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/02/18/le-van-khoa-8614-1487387864.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EHk2gHnu3xUy5xKfE6UovQ)
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa muốn cán bộ, người dân đi bộ đi làm trong phạm vi 3 km. Ảnh: NC.
Quan điểm này nhận được ủng hộ của đại diện các sở ban ngành có mặt trong cuộc họp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đi bộ 3 km là quá xa, mất nhiều thời gian.
Còn ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở xây dựng nói rằng, để vận động được mọi người cùng tham gia thì phải có sự chuẩn bị tốt. Nên chọn một số tuyến đường, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
Phó giám đốc sở Du lịch Đặng Quốc Khánh băn khoăn về ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, gây cản trở lớn cho người đi bộ. "Như ở đường Lương Nhữ Học (quận 5) người đi bộ rất đông nhưng bị xe đụng hoài. Thế nên trên vỉa hè phải quy định rõ ràng các ranh giới dành cho người đi bộ, đồng thời xe máy không được phạm vào", ông nói.
Đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo cho rằng, việc này sẽ khó cho các cô giáo vì họ thường mang giày, mặc áo dài, trong khi thời tiết Sài Gòn khá nóng.
"Cái đó khắc phục được, tới trường các cô mới thay áo dài là được", ông Lê Văn Khoa nói.
Phó chủ tịch nhấn mạnh, ông đưa vấn đề này ra là để nghiên cứu đường nào, trường hợp nào phù hợp nhằm thực hiện thí điểm. Khi thực hiện sẽ vận động chứ không ép buộc nhưng cần hiểu "đi bộ cũng là một nét văn hóa". Ông giao Sở GTVT và Ban An toàn giao thông phối hợp vận động, kêu gọi người dân thành phố đi bộ trong khoảng cách phù hợp.
Ông Khoa cũng yêu cầu chậm nhất trong tháng 3 Ban An toàn giao thông phải có báo cáo cụ thể về tình trạng lấn chiếm, sử dụng lòng lề đường của 159 tuyến kiểu mẫu.
Liên quan đến việc "lấy lại vỉa hè cho người đi bộ", Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu lãnh đạo các quận huyện phải đích thân ra đường xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè như quận 1 đang làm để đạt kết quả tốt nhất.
Hữu Nguyên