Tình trạng nhiều người núp bóng dịch vụ đòi nợ, doanh nghiệp cho vay tài chính để hoạt động "tín dụng đen" diễn ra suốt thời gian dài tại TP HCM. Hiện, chưa có quy định về mức phí đòi nợ thuê, các công ty tự thỏa thuận với người dân (có khi lên đến 50% số tiền khách nợ) nên họ thường dùng mọi biện pháp mạnh để đòi bằng được tiền; trong đó có hành vi uy hiếp tinh thần khách nợ và gia đình họ như tạt sơn, ném chất bẩn...
"Việc cho phép kinh doanh dịch vụ này vô tình là kẽ hở để một số người cấu kết băng nhóm gây phức tạp về an ninh trật tự", Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nêu lý do trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính.
Theo ông Tuyến, quan hệ vay - nợ là hợp đồng dân sự, hoặc kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành luật nên không cần thiết phải có dịch vụ đòi nợ thuê.
TP HCM cũng đặt ra trường hợp, nếu không thể cấm dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, như: quy định cụ thể cơ quan thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.
Hiện, TP HCM có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động kinh doanh đòi nợ (3 công ty có yếu tố nước ngoài) với tổng số vốn điều lệ hơn 111 tỷ đồng, 711 người lao động.
Hồi tháng 9 năm ngoái, TP HCM lần đầu kiến nghị đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh bởi hầu hết các công ty đòi nợ thuê đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm xã hội đen gây mất an ninh trật tự.
Trung Sơn