Đây là kết quả khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về sụt lún nền sau quá trình thực địa và thu thập thông tin, phỏng vấn các đối tác tham gia quản lý, nghiên cứu về sụt lún nền.
Các nghiên cứu cho thấy độ lún của TP HCM ở mức cao. Theo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS), độ lún tích luỹ từ 2005 đến 2017 của thành phố là 23 cm, nơi nhiều nhất lún 81 cm (phường An Lạc, quận Bình Tân); độ lún bình quân hàng năm là 2 cm, có nơi 6 cm. 10 địa phương lún nhiều nhất là quận 2, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân, và Thủ Đức. Bình Tân và quận 12 sụt lún nền lớn nhất.
Trong khi đó, quan trắc của Đại học Bách khoa TP HCM giai đoạn 2006-2020 cho thấy sụt lún xảy ra nghiêm trọng hơn ở các quận nội thành, nhất là ở quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân. Tại điểm lún lớn nhất, độ lún tích lũy trong 15 năm khoảng 43 cm, bình quân mỗi năm lún 3 cm.
Khảo sát của JICA cũng phỏng vấn các đơn vị: Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); và Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco).
Các đơn vị trên đánh giá tình trạng sụt lún nền đất ở TP HCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy ước tính khoảng 100 cm. Tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5 cm mỗi năm. Riêng những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8 cm mỗi năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng một cm mỗi năm).
Từ kết quả trên, JICA kiến nghị TP HCM cần có các giải pháp ứng phó sụt lún nền dựa trên kinh nghiệm của Jakarta (Indonesia) và Tokyo (Nhật Bản). UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất này và giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp JICA xây dựng đề án trong quý 4/2022. Dự án sẽ nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và các kịch bản của chính quyền địa phương, và thiết lập kế hoạch ứng phó sụt lún cho thành phố.
Thu Hằng