![]() |
Gà trong vùng dịch, bất kể có bị bệnh hay không, đều phải tiêu hủy. |
Để thực hiện chỉ thị này, Chi cục Quản lý Thị trường phối hợp với lực lượng công an, quân đội, thú y chốt chặn mọi ngả đường, các chợ trong thành phố. Ôtô của thú y và quản lý thị trường được gắn đèn ưu tiên khi làm nhiệm vụ. Điều này chưa từng xảy ra, kể cả trong thời kỳ báo động dịch SARS.
Lực lượng liên ngành tiến hành ngay việc tiêu hủy các đàn gà tại những vùng đang có nguy cơ nhiễm dịch hay đã phát dịch, nhất là những xã, huyện tiếp giáp khu vực các tỉnh đang có dịch. Biện pháp tài chính được phối hợp áp dụng: Trong vòng 4 ngày, những hộ dân chủ động tiêu hủy gia cầm thì được hỗ trợ kinh phí 15.000 đồng/con; 4 ngày tiếp theo mới chấp nhận tiêu hủy thì chỉ được hỗ trợ 10.000 đồng/con; sau 8 ngày, hộ chăn nuôi nào không tự nguyện thì bị cưỡng chế tiêu hủy và chỉ được hỗ trợ 5.000 đồng/con. Riêng những hộ gia đình và đơn vị chăn nuôi để gia cầm lây lan dịch bệnh, gây hậu quả cho khu vực lân cận thì sẽ không được hỗ trợ kinh phí mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy hậu quả.
Trước đó, tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp đã quyết định cấm kinh doanh gia cầm bất kể ốm hay khỏe. Đi kèm với việc cấm, các địa phương cũng hỗ trợ tài chính tính theo đầu gà, vịt phải tiêu hủy. Cục phó Cục Thú y Phạm Chung cho biết tỉnh An Giang cũng đang dự định triển khai biện pháp mạnh mẽ này.
Hôm nay, thêm 2 tỉnh mới rơi vào danh sách địa phương xuất hiện dịch, nâng tổng số lên 14 tỉnh (7 phía Nam, 7 phía Bắc). Cục phó Cục Thú y Đậu Ngọc Hào nhận định chưa thể khống chế được dịch bởi người dân vẫn lén lút vận chuyển gia cầm đưa đi tiêu thụ. Báo cáo từ các địa phương gửi lên cho thấy việc vận chuyển thường tiến hành vào đêm, số lượng nhỏ, đi đường tắt nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện.
Một nguyên nhân khác là có địa phương chưa nghiêm túc thực hiện công lệnh của trung ương. Như Cần Thơ, Đồng Tháp... đã có dịch nhưng chưa công bố là vùng dịch. Các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, y tế vì vậy không có cơ sở để phối hợp tham gia chống dịch với lực lượng thú y.
Thiếu cán bộ thú y chuyên trách cũng khiến việc ngăn chặn vận chuyển gia cầm gặp khó khăn. Theo yêu cầu của Cục Thú y, mỗi chốt phải có 1 bác sĩ thú y, 1 công an, 1 cán bộ của UBND địa phương nên số chốt được dựng lên chưa đủ dày đặc.
Ông Hào nói: "Lệnh cấm vận chuyển gia cầm tại 18 tỉnh phía Nam tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thú y chống dịch, vì không phải mất thời gian kiểm tra giấy chứng nhận. Mấy ngày tới, nếu các địa phương có chế độ trợ cấp kịp thời cho cán bộ trực thì hy vọng việc kiểm soát dịch bệnh sẽ tốt hơn".
Tổ chức Nông - Lương thế giới (FAO) hôm nay nhận định cúm gà lây sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp. "Virus H5N1 không lây trực tiếp từ người sang người nhưng nó có thể kết hợp với virus cúm ở người để biến chủng, tạo thành virus mới chưa từng có, có khả năng lây nhiễm từ người sang người" - FAO cảnh báo. Nguy cơ này đang đe dọa tính mạng người dân vùng dịch. Hầu hết bà con chăn nuôi không có hoặc không chú ý sử dụng các trang thiết bị bảo hộ như quần áo, găng tay, khẩu trang, kính mắt...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế vẫn chưa chứng minh được giả thiết của mình - cúm gà lây sang gia súc, sau đó lây sang người. Các mẫu bệnh phẩm gia cầm, gia súc tại các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Bình đã được gửi tới 2 phòng thí nghiệm ở Hong Kong và Atlanta (Mỹ) nhưng chưa có kết quả.
Diễn biến dịch cúm gà đến ngày 16/1: |
Thiên Đức - Thiên Nguyên