Diễn ra đúng một tháng sau hội thảo giới thiệu phương án một, chiều 18/8, Sở giáo dục TP HCM tiếp tục tổ chức giới thiệu phương án hai của đề án sách giáo khoa điện tử trong hội thảo “Đề án thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM năm học 2014 - 2015”.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu trong buổi hội thảo trước đó, lần này ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở cùng một số đối tác đã đưa cả mô hình phòng học thông minh để 24 quận huyện và các giáo viên có thể hình dung.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo dục cho rằng đề án sách giáo khoa điện tử sẽ là một trong những phương pháp đổi mới giáo dục ở tiểu học. Ảnh: Nguyễn Loan. |
Đề án đưa ra con số khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện. Các khoản chi được Sở vạch ra gồm trang thiết bị, phần mềm cho 6.874 phòng học với khoảng 262 triệu đồng cho mỗi phòng; trang bị máy tính bảng cho 327.127 học sinh và 10.398 giáo viên với giá khoảng 5 triệu một máy. Đặc biệt, mỗi trường sẽ được đầu tư một phòng chuyên môn; một phòng họp trực tuyến với kinh phí 1,1 tỷ đồng, ước tính toàn thành phố sẽ cần gần 497 tỷ đồng.
Số chi phí còn lại là để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó, các hiệu trưởng sẽ chọn học ở một số trường nước ngoài với kinh phí 250 triệu đồng/người, còn giáo viên sẽ được đào tạo tại chỗ. Ngoài ra, đề án cũng dự trù kinh phí khảo sát thực hiện tại các cơ sở, kinh phí xây dựng tiêu chuẩn trường tiểu học theo mô hình mới, xây dựng các chương trình SGK điện tử và chương trình đào tạo...
Tuy nhiên, phương án mới không làm nhiều đại biểu bớt băn khoăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Họ cho rằng hiện nhiều trường tiểu học đang phải "gánh nợ" từ chương trình Máy tính bảng tương tác, nếu "gánh" thêm cả đề án này nữa thì phải có được sự đồng thuận của phụ huynh.
Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng giáo dục quận 5 bày tỏ lo ngại vì để thực hiện đề án sách giáo khoa điện tử cần phải có lộ trình cụ thể. Trước mắt, phải chọn ra một số trường để làm thí điểm xem tính hiệu quả và khả năng thực thi, chứ không thể triển khai đồng loạt trên tất cả các trường tiểu học ở thành phố mà chưa thông qua đánh giá, chưa dự trù được kết quả như hiện nay.
Vẫn giữ nguyên quan điểm trong buổi hội thảo trước, ông Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục phía Nam cho rằng Sở cần phải làm rõ nhiều nội dung có trong đề án. "Tại sao phải áp dụng cho bậc tiểu học mà không áp dụng cho các bậc học khác? Rồi sau 3 năm học đầu của tiểu học đã quen dùng máy tính bảng, đến lớp 4 các em lại phải quay lại với sách giáo khoa thì có hụt hẫng không, có hiệu quả không? Các nhà làm giáo dục cũng phải đồng thời đánh giá được tác động cả chiều thuận lẫn chiều nghịch của đề án, chứ không thể nói làm là làm ngay được", ông Phúc nêu vấn đề.
Kết luận tại hội thảo, Sở Giáo dục TP HCM cho biết sẽ ghi nhận tất cả ý kiến để hoàn thiện đề án và có tính toán kỹ lưỡng các chi tiết, con số, kỹ thuật, cũng như tính ưu - nhược của đề án để báo cáo lãnh đạo thành phố.
Hiện Sở Giáo dục TP HCM đã trình UBND và đưa các phương án ra lấy ý kiến rộng rãi đến đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và phụ huynh để triển khai trên thực tế. Đề án này cũng đã được trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguyễn Loan