Năm 2014, chủ trương "trải thảm đỏ mời nhân tài" theo Quyết định 5715 của thành phố giúp Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM (gọi tắt là Trung tâm sinh học) thuộc Sở Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn thu hút được 4 chuyên gia, gồm một người ở Việt Nam và ba Việt kiều từ Canada, Australia, Mỹ.
Các chuyên gia đã giúp Trung tâm sinh học gây dựng, hình thành một số chương trình mới như công nghệ sinh học vật liệu và nano; sinh học phân tử, đặc biệt là đặt ra hướng nghiên cứu về ung thư; hỗ trợ đơn vị có nhiều bài báo đăng trên tạp chí khoa học uy tín... Đây đều là những lĩnh vực rất mới tại TP HCM khi đó.
"Tuy nhiên, khi kết thúc chương trình thí điểm, các thầy đều nghỉ do thu nhập của chương trình chính thức quá thấp", TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm sinh học nói. Năm 2020, trung tâm này muốn tuyển thêm ba chuyên gia nhưng không ai ứng tuyển.
Quyết định 5715 thu hút chuyên gia được TP HCM áp dụng trong 5 năm để tuyển người tài cho các lĩnh vực trọng điểm. Chuyên gia khi đó được hưởng thu nhập thỏa thuận không quá 150 triệu đồng mỗi tháng; chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ kinh phí dự hội thảo cùng nhiều ưu đãi về xuất, nhập cảnh, thuế, nhà ở, hỗ trợ người thân...
Thời gian thực hiện, TP HCM thu hút 19 được nhà khoa học về làm việc. Từ 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 của UBND TP HCM với nhiều chính sách thay đổi.
Theo đó, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt nhận được nhiều đãi ngộ như: trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng; thu nhập theo hệ số lương nhà nước; hưởng 1% đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách nhà nước, tối đa một tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở, phương tiện...
Tuy nhiên, đề án áp dụng chính thức không giữ chân được nhân tài cũ. 14 trên 19 chuyên gia tham gia trước đó đã rời đi, trong đó có 4 chuyên gia của Trung tâm sinh học. Chương trình cũng không hấp dẫn thêm người mới nên từ năm 2019 đến nay, TP HCM không thu hút nhân tài mới nào dù muốn tuyển 20 vị trí.
TS Hoàng Thế Bân, chuyên gia cao cấp của Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) - người duy nhất còn ở lại đến nay (4 nhà khoa học khác chưa thể qua Việt Nam ký tiếp hợp đồng với SHTP do Covid-19) cho rằng chế độ đãi ngộ và quy trình thu hút là rào cản khiến giới chuyên gia chưa mặn mà.
Thay đổi rõ nhất mà ông nhận thấy là chênh lệch về thu nhập. Cụ thể, chương trình thí điểm, chuyên gia có thể được thành phố trả lương cao nhất 150 triệu đồng. Song với chương trình chính thức, người tài, chuyên gia học hàm giáo sư, phó giáo sư được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4), mỗi tháng nhận 14 triệu đồng; các trường hợp còn lại nhận hơn 13 triệu đồng mỗi tháng.
"Mức lương này cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực công lập, nhưng thực tế chỉ tương đương thu nhập của một kỹ sư làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, quá thấp so với chuẩn mực chuyên gia của khu vực và thế giới", ông nói.
Ngoài mức hỗ trợ 100 triệu đồng ban đầu, TS Bân không nhận được thêm đãi ngộ gì khác. Ông không thuộc nhóm hưởng khoản thưởng 1% dự án nghiên cứu khoa học của thành phố bởi phụ trách đào tạo và tuyển dụng theo nhu cầu của doanh nghiệp, không thực hiện đề tài dùng kinh phí nhà nước.
Bên cạnh thu nhập, quá trình tuyển dụng khá phức tạp qua nhiều giai đoạn cũng là trở ngại đối với người ứng tuyển. Nếu giai đoạn thí điểm, TS Bân chỉ mất hai tháng từ khi nộp đơn đến lúc làm việc, thì với chương trình chính thức, ông phải mất hai năm mới được ký hợp đồng.
"Quy trình 5 bước và thông qua nhiều bên liên quan như Hội đồng thu hút, tuyển chọn do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, Sở Nội vụ, UBND TP HCM, đơn vị thụ hưởng có thể khiến nhiều người nản lòng", TS Bân nói.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đăng Quân cho rằng thủ tục tuyển chọn rườm rà, qua nhiều bước, đặc biệt chuyên gia phải đến báo cáo, thể hiện năng lực, phỏng vấn là yêu cầu không hợp lý. Bởi lẽ, chuyên gia thường là người thành công, có danh tiếng nhất định, nếu đã muốn họ bỏ công việc hiện tại để về làm cho thành phố mà quy trình nhiêu khê và chế độ không hấp dẫn rất khó thu hút.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ - cơ quan tham mưu chính sách thu hút chuyên gia cho UBND thành phố, nhìn nhận việc chưa mời gọi được người tài do một số cơ quan thiếu kinh nghiệm và chưa chuẩn bị đầy đủ giải pháp, dẫn đến chưa tạo sức hút với nhà khoa học trong, ngoài nước.
Bên cạnh đó, theo ông Nhân, các chuyên gia lại có nhiều cơ hội nên thường ưu tiên viện nghiên cứu, đại học, tổ chức tại các quốc gia tiên tiến. Điều này đặt áp lực cho thành phố phải cải thiện hình ảnh, tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học, công nghệ để mời gọi người tài. Ngoài ra, ba năm qua ảnh hưởng của đại dịch khiến thành phố không tuyển thêm chuyên gia nào.
Đánh giá kết quả chương trình thu hút nhân tài của TP HCM, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho rằng đây là chủ trương hay, đầy đủ, nhưng so với cơ chế thị trường, thu nhập, nguồn vốn thì rất khó thu hút. Bà đề nghị UBND thành phố đánh giá kết quả thực tiễn để đề xuất chính sách phù hợp nhằm thu hút chất xám, xứng đáng công sức chuyên gia, nhà khoa học bỏ ra.
"Chí ít phải đảm bảo cuộc sống tại TP HCM, chứ mức vậy đúng là khó thu hút, mà tuyển được cũng khó giữ chân. Cuộc sống của thành phố mức sống cao mà không đảm bảo rất khó để họ làm việc với mình", bà nói.
Năm 2022, chương trình thu hút nhân tài theo Quyết định 17 của UBND TP HCM sẽ hết hạn cùng với hiệu lực của Nghị quyết 54 - căn cứ xây dựng đề án này. Thành phố đang nghiên cứu xây dựng chính sách mới trong dự thảo nghị quyết thay thế, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm.
Thu Hằng