Báo cáo hoạt động phòng chống lao vào ngày 17/9, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, tính đến hết tháng 6 toàn thành phố có 203 bệnh nhân phong đang được quản lý, 9 trường hợp mới phát hiện. Thành phố đang xúc tiến các hoạt động tiến tới loại trừ bệnh trong năm nay.
30 năm qua, hầu hết bệnh nhân phong trên địa bàn thành phố đã được phát hiện, quản lý và điều trị khỏi bệnh, số ca mắc mới giảm dần, những bệnh nhân tàn tật được hướng dẫn cách chăm sóc và phục hồi chức năng. Tỷ lệ tàn tật nặng (độ 2) giảm chưa đáng kể. Tỷ lệ này dao động 18-20% trong những năm 2000-2009. Trong 5 năm qua, tỷ lệ tàn tật độ 2 ổn định hơn và đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong. Số trẻ em mắc bệnh phong hàng năm giảm dần và không còn trong 3 năm liên tục gần đây.

Một số loại giày chuyên biệt dành cho bệnh nhân phong. Trong những năm qua người bệnh phong được tăng cường điều trị, theo dõi, phục hồi chức năng. Ảnh: Lê Phương.
Theo bác sĩ Hùng, ngày xưa người bệnh phong bị cộng đồng xa lánh, hắt hủi. Những người bệnh mặc cảm và giấu bệnh đến khi tàn tật nặng mới đến khám. Hiện nay bệnh nhân được phát hiện và điều trị sớm, uống thuốc miễn phí, hạn chế tàn tật và lây lan trong cộng đồng. Do bệnh phong gây tổn thương da, thần kinh, xương nên tỷ lệ tàn tật khá cao. Bệnh nhân được hướng dẫn phòng ngừa và chăm sóc tàn tật tại nhà, vật lý trị liệu, phẫu thuật phục hồi chức năng.
"Người bệnh phong thường đối mặt với tình trạng khó lao động kiếm sống, khó tham gia các hoạt động xã hội, hạn chế học tập... nên vấn đề phục hồi xã hội, tinh thần được chú trọng đẩy mạnh trong những năm qua", bác sĩ Hùng phân tích.
Bác sĩ Vũ Hồng Thái, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết kiểm tra và được công nhận loại trừ bệnh không có nghĩ là không còn bệnh nhân. Công cuộc chiến đấu chống bệnh phong phải được duy trì cho đến khi thanh toán hoàn toàn bệnh. Sau khi loại trừ, số bệnh nhân cần điều trị sẽ ít, số cần chăm sóc sẽ nhiều nên phải chuyển hướng sang chăm sóc, phục hồi với nhiều thách thức mới.
Lê Phương