Ngày 4/1, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khả năng tăng cao. Trong đó, nhu cầu giao thương, du lịch tăng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan.
Cuối tháng 11/2023, Campuchia ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh cúm A/H5N1, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm ngoái đến nay lên 6, trong đó 4 người tử vong. Do đó, giới chức TP HCM đánh giá nguy cơ bệnh có thể xâm nhập thông qua các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm.
Virus H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã, có thể lây lan cho người, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.
Các triệu chứng nhiễm bệnh ở người gồm sốt cao trên 38 độ C, khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Một số bệnh nhân có thể bị đau bụng, tức ngực và tiêu chảy. Nhiễm virus ban đầu có thể tiến triển nhanh chóng thành bệnh hô hấp nghiêm trọng, với các biểu hiện như khó thở, thở gấp, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính. Người bệnh cũng gặp các thay đổi về thần kinh, chẳng hạn co giật.
Ngoài ra, HCDC cũng lo ngại về nguy cơ tăng ca bệnh Covid dịp cuối năm. Trên thế giới, số ca bệnh tăng nhẹ trong tháng trước, biến thể mới JN.1 đang dần phổ biến ở nhiều nước với tính lây truyền cao hơn. Hiện vẫn chưa có bằng chứng về sự tăng nặng nguy cơ với sức khỏe cộng đồng của biến thể phụ này so với các biến thể trước đó.
HCDC khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và các địa điểm tập trung đông người. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Súc miệng, họng bằng nước súc miệng. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở... Người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền.
Tiêm vaccine đối với các bệnh đã có vaccine phòng ngừa như cúm, Covid-19. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc. Chọn lựa nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực hiện ăn chín, uống sôi.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Lê Phương