Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói bên lề kỳ họp Quốc hội trưa 8/11, khi đề cập đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn thời gian tới.
Ông Mãi cho biết, theo Nghị quyết 128, hiện thành phố đánh giá cấp độ dịch hàng tuần theo phường, xã, thị trấn tức là đơn vị cơ sở. Sau đó, ngành y tế đánh giá theo cấp quận và thành phố. Việc xem xét nguy cơ dịch ở thành phố căn cứ các tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới: ca chuyển nặng; ca tử vong; số ca mắc trên 100.000 dân và số ca dương trong tổng số xét nghiệm. Cùng với đó là tiêu chí về năng lực đáp ứng của hệ thống y tế để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị F0.
![Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Trung Sơn.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/08/phanvanmai-2980-1636362566.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MMS6ZKNvzq-pyLEYpbdbmw)
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Trung Sơn.
"Hiện số ca mắc mới ở một số địa bàn có xu hướng tăng lên. Tuần vừa qua ca mắc mới tăng hơn 5%. Thành phố sẽ cho làm xét nghiệm để đảm bảo về quy mô mẫu", ông Mãi nói và cho biết ngành y tế đã lên kế hoạch triển khai xét nghiệm quy mô rộng hơn nhằm đánh giá thực tế.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, việc xét nghiệm này cần đảm bảo 2 yếu tố là quy mô mẫu và cơ cấu xét nghiệm sao cho "trúng", mẫu xét nghiệm có độ tin cậy cao. Cụ thể, thành phố dự định xét nghiệm với tỷ lệ 4/1.000 dân. Trong đó, người được lấy mẫu đến từ 4 nhóm địa bàn gồm: các cơ sở y tế, ổ dịch cộng đồng; nơi tập trung đông người (siêu thị, nhà máy, xí nghiệp...) và người về từ vùng dịch.
"Việc lấy mẫu xét nghiệm phải đảm bảo tiêu chí vừa đạt 4 người trên 1.000 dân vừa là 4 người nằm trong các nhóm trên mới đạt được độ tin cậy của mẫu", ông Mãi nói. Việc triển khai lấy mẫu theo nguyên tắc này để có đánh giá chính xác hơn và đưa ra cảnh báo kịp thời về nguy cơ dịch.
Về việc xử lý, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố tiếp cận theo 2 giai đoạn, trước F0 và sau F0. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, các biện pháp phòng Covid-19. Sắp tới, ngoài việc rửa tay, ngành y tế sẽ khuyến cáo thêm các biện pháp khác như súc họng, mũi, xông hơi... Đồng thời, thành phố tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thậm chí xử lý việc thực hiện 5K.
Trường hợp sau F0, tức là khi phát hiện ca dương, thành phố tổ chức các đội phản ứng nhanh xử lý. Theo ông Mãi, hiện có kẽ hở là một số trường hợp dương tính phát hiện ở nhà máy, xí nghiệp chưa được cách ly ngay mà về nơi cư trú rồi mới báo y tế địa phương. Việc này khiến quy trình xử lý ca nhiễm kéo dài, tăng khả năng tiếp xúc, không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, khi phát hiện ca dương, đội phản ứng nhanh phải tiếp cận để hướng dẫn, cấp thuốc. Việc cấp thuốc cần phải được làm càng sớm càng tốt vì ngăn chuyển nặng và tử vong. Ngoài ra, thành phố củng cố trạm y tế lưu động ở một số nơi về nhân lực, cơ chế hoạt động... "Những nơi phát sinh điểm nóng như Hóc Môn, thành phố sẽ điều thêm nhân lực, đội phản ứng nhanh tới giúp", ông Mãi nói.
Theo công bố của UBND thành phố, từ 29/10 đến 5/11, có 13 quận huyện thuộc vùng xanh - đạt cấp 1 về dịch bệnh; 7 địa phương vùng vàng - cấp 2; Nhà Bè và Cần Giờ thuộc vùng cam - cấp 3.
Trong 22 địa phương của thành phố, vùng xanh chiếm hơn 59% gồm: TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, Tân Phú, Phú Nhuận, Tân Bình, 1, 4, 5, 6, 7, 8, 11, huyện Củ Chi. Vùng vàng gần 32% với các quận huyện: 3, 10, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Vùng cam hơn 9% gồm hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ.
Hữu Công