Thông tin được ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 24/8. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố đã ghi nhận hơn 180.200 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua ngày thứ hai siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó".
Theo ông Hưng, thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm đặc biệt là ở vùng nguy cơ cao - "vùng đỏ và cam" để bóc tách tất cả, hoặc gần hết trường hợp F0 trong cộng đồng nhằm tập trung điều trị với mục tiêu cao nhất giảm tử vong cũng như giảm ca mắc mới.
"Số mẫu test nhanh cần phải lấy ở các khu vùng đỏ, cam dự kiến khoảng 2 triệu mẫu với thời gian chậm nhất là ngày mai phải hoàn thành. Khối lượng công việc rất lớn để phát hiện hết F0 trong cộng đồng", ông Hưng nói và cho biết trong ngày 23/8 - ngày đầu tiên lấy được khoảng 170.000 mẫu test nhanh, trong đó hơn 6.000 mẫu cho quả dương tính nCoV.
"Tỷ lệ này trong mức cho phép nghĩa là thấp hơn 5% theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO về tỷ lệ dương tính trong cộng đồng", ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm, trưa nay, Sở Y tế họp trực tuyến với UBND các quận huyện để bàn cách đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu. Các địa phương được yêu cầu phải đưa ra tiến độ cam kết, bảo đảm chậm nhất trưa mai phải hoàn thành việc lấy mẫu ở khu vực đỏ và cam.
"Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ đánh giá tình hình dịch tại thành phố và tham mưu giải pháp cho Ban chỉ đạo tiến hành những bước tiếp theo trong thời gian tới", ông Hưng nói và cho biết thành phố cũng đang thực hiện lấy mẫu tầm soát cho cư dân trong "vùng xanh và vàng" - nguy cơ thấp bằng hình thức lấy mẫu gộp.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM nói thêm rằng, với chiến lược xét nghiệm diện rộng như hiện nay, chắc chắn số F0 phát hiện hàng ngày sẽ tăng lên, từ đó nhu cầu điều trị cũng sẽ tăng lên. Thành phố đang thực hiện điều trị F0 theo mô hình tháp 3 tầng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu điều trị nhiều hơn, ngoài việc nâng công suất tầng 2 và 3 (các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tách đôi và các trung tâm hồi sức cấp cứu), thành phố đang mở rộng tầng 1 điều trị các ca F0 cách ly tại nhà và các khu cách ly F0 ở quận, huyện. "Đây cũng là tầng rất quan trọng để giảm áp lực cho tầng 2 và 3", ông Hưng nói.
Để chuẩn bị cho việc này, ông Hưng cho biết thành phố triển khai mô hình trạm y tế lưu động để tăng cường quản lý, điều trị F0 tại nhà; đồng thời đảm bảo người dân mắc những bệnh khác tại cộng đồng không phải Covid-19 vẫn được chăm sóc điều trị tốt. "Mỗi phường, xã sẽ lập 2-3 trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà cũng như các bệnh thông thường. Nếu F0 có chuyển nặng thì cũng kịp thời chuyển lên tuyến trên", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, riêng tầng 2 và 3 đang tiếp nhận điều trị khoảng 33.000 bệnh nhân. Đây là số lượng khá lớn, thành phố đã phải liên tục mở thêm các khu điều trị nên áp lực lên ngành y tế rất lớn. Tuy nhiên, thành phố cũng được chi viện từ Trung ương và các tỉnh thành nên vẫn đảm bảo được công tác điều trị cho bệnh nhân hai tầng này.
Hữu Công