Theo văn bản Sở Nội vụ vừa trình UBND TP HCM về việc lập lại HĐND quận, huyện, phường theo Luật chính quyền địa phương, dự kiến thành phố phải tăng 8.340 biên chế. Kinh phí hoạt động và phụ cấp khi lập lại HĐND các cấp này phát sinh mỗi năm là hơn 47 tỷ đồng.
"Việc tổ chức lại sẽ tăng thêm cán bộ trong khi Chính phủ yêu cầu tinh giản biên chế. Vì vậy khi Ủy ban thường vụ Quốc hội có hướng dẫn chính thức về số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, thành phố sẽ bố trí lại cho phù hợp", Sở Nội vụ nêu.
Trước đó, TP HCM là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội (khóa XII) ngày 15/11/2008 có hiệu lực ngày 1/4/2009. Tuy nhiên, theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phải gồm có HĐND và UBND.
Theo Sở Nội vụ, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là chủ trương phù hợp với thực tế của TP HCM, được nhân dân TP đồng tình và sự thống nhất của các ngành, các cấp. Đồng thời, việc thí điểm giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan... Vai trò của chủ tịch UBND, người đứng đầu bộ máy UBND quận, huyện, phường được phát huy thông qua việc chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm.
Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cũng được cho là không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19/6. Tại Điều 4 quy định, tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Xã, phường, thị trấn và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Trung Sơn