Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) cho biết đơn vị này vừa được Ủy ban Thành phố ủy thác quyền hạn và tài chính để thành lập Diễn đàn MEMS/Cảm biến TP HCM. Diễn đàn hướng đến mục tiêu thương mại hóa các nghiên cứu về sản phẩm vi cơ điện tử của Thành phố. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư đến lập nhà máy sản xuất cảm biến và các sản phẩm vi cơ điện tử, nhằm chuẩn bị sẵn sàng phần cứng cho việc xây dựng thành phố thông minh, tránh phụ thuộc vào sản phẩm nước ngoài.
Ban tổ chức Diễn đàn cho hay, tham vọng của dự án là góp phần thực hiện kế hoạch toàn diện, chuyển đổi TP HCM từ một trong những nhà sản xuất, lắp ráp linh kiện hàng đầu sang một đối thủ lớn trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.
“Đây là nơi các thành phần có liên quan trong hệ sinh thái, bao gồm nhà quản lý, giới doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và truyền thông cùng ngồi lại bàn bạc nghiên cứu sản xuất MEMS (sản phẩm vi cơ điện tử) để phục vụ cho thị trường trong nước và thế giới, tạo nền tảng trong cuộc Cách mạng 4.0 và hướng đến thành phố thông minh”, ông Lê Hoài Quốc – Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM cho biết.
Cũng theo ông Quốc, hiện SHTP và một vài trường viện đã có nghiên cứu về sản phẩm vi cơ điện tử nhưng chưa có đủ điều kiện để thương mại hóa, sản xuất quy mô lớn. Đây là nền tảng để tạo lập hệ sinh thái sản xuất các cảm biến, thiết bị vi cơ điện tử, vi mạch.
Ngoài ra, diễn đàn cũng đang thu hút được sự quan tâm của một số trí thức và doanh nghiệp Việt kiều tại Mỹ. Ông Tom Nguyễn – Tổng giám đốc Công ty cảm biến DunAn Sensing tại San Jose cũng úp mở về khả năng xây một nhà máy tại TP HCM trong buổi công bố thành lập diễn đàn mới đây.
“Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi cơ điện tử của chúng ta khá tốt. Lãnh đạo nhà máy Intel từng nói với tôi là nhà máy tại Việt Nam có chất lượng lao động tốt nhất trong các nhà máy của hãng trên toàn cầu”, ông Quốc nói.
Để kết nối giới nghiên cứu, các nhà đầu tư tiềm năng, đầu tháng 11 tới, diễn đàn sẽ tổ chức hội thảo thương mại hóa MEMS lần đầu tiên. Các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ cùng bàn luận về các chủ đề ứng dụng của MEMS trong Internet of Things (IoT) áp dụng cho các thành phố thông minh/thành phố xanh để theo dõi môi trường, y học điện tử (e-medicine) và công nghệ nông nghiệp, công nghệ thủy sản. Trước mắt, hội thảo sẽ tổ chức thường niên trong 3 năm tới.
Viễn Thông