Quyết định được lãnh đạo TP HCM đưa ra sau cuộc họp khẩn trưa 30/5, trong bối cảnh hơn một tháng thành phố ghi nhận 157 ca. Đặc biệt chỉ 5 ngày qua thành phố phát hiện 126 ca liên quan ổ dịch tại Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp. Đây là ổ dịch lớn nhất, lây lan nhanh nhất tại thành phố từ trước tới nay.
"Đây là tình huống hết sức khó khăn, thử thách thành phố. Tình huống nguy hiểm mới buộc chúng ta hành động tương xứng. Tôi tin với sự đồng lòng, quyết tâm, chúng ta sẽ chiến thắng. Nếu không diễn biến dịch có thể vượt tầm kiểm soát", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói tại cuộc họp.
Trước đó, đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành "nguy cơ cao", thành phố đã áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ trong 22 ngày. Thời điểm đó sau hơn 2 tháng dịch bùng phát (cuối tháng 1/2020) TP HCM ghi nhận 55 ca nhiễm. Trong đó, ổ dịch bar Buddha lây lan lớn nhất với 18 ca.
Hiện, TP HCM đã có 13 ca nhiễm trên một triệu dân. Đến nay có 47 khu vực trên địa bàn thành phố phải phong toả vì liên quan các ca bệnh. Số ca F1, F2 liên quan 2 chuỗi lây nhiễm lớn nhất lên hơn 62.000 phân tán ở hầu hết quận, huyện.
Virus gây bệnh liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng thuộc biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ. Ngoài ra, chuỗi lây nhiễm liên quan nhân viên ngân hàng ở quận Tân Phú đã ghi nhận 11 ca. Virus ở cả 2 chuỗi lây này đều là biến chủng Ấn Độ, được đánh giá lây lan nhanh hơn 1,7 lần so những chủng nCoV khác.
Đây chính là những lý do thành phố đưa ra quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với toàn bộ quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 có hơn 700.000 dân theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường". Người dân không tập trung quá 2 người nơi công cộng, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.
Toàn bộ các quận, huyện còn lại của thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15+, tức "không tụ tập 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng các dịch vụ không cần thiết; chỉ các dịch vụ hàng hoá, thiết yếu được mở cửa...".
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong chỉ đạo ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên diện rộng toàn thành phố, dự kiến mỗi ngày khoảng 100.000 mẫu, ưu tiên những khu vực nguy cơ cao. Trước mắt, ngành y tế tập trung lấy mẫu các đơn vị bầu cử nơi có hội viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại khu chế xuất, công nghiệp, công nghệ cao.
UBND TP HCM cũng đã đề nghị trưng dụng 7 ký túc xá của các đại học, cao đẳng tại TP Thủ Đức và quận 11, chuẩn bị cho tình huống 100-300 ca bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu cách ly y tế của thành phố thời gian tới.
Trong 7 ký túc xá, có 6 khu ở TP Thủ Đức: Đại học Quốc gia, Sư phạm Kỹ thuật, Nông Lâm, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Cao đẳng Công thương, Công nghệ Thủ Đức tại TP Thủ Đức; ký túc xá Đại học Sư phạm TP HCM ở quận 11. Riêng ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM quy mô lớn nhất, có thể tổ chức gần 20.000 giường dành cho cách ly.
Trước tình hình ở TP HCM phức tạp, hôm qua nhiều tỉnh thành ở phía Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch lây lan. Theo đó, một loạt tỉnh đã cho dừng các tuyến xe liên tỉnh đến TP HCM như Cần Thơ, Bình Phước, Đồng Na, Lâm Đồng, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.
Ngoài ra, TP Cần Thơ và tỉnh Bình Phước lập các chốt kiểm soát để xét nghiệm Covid-19 người trở về từ vùng dịch, nhất là TP HCM.
Trong ngày 30/5, cả nước phát hiện thêm 250 bệnh nhân Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trong nước trong đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4 vượt 4.000. Bắc Giang vẫn là nơi ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với hơn một nửa số ca của cả nước; tiếp đó là Bắc Ninh, Hà Nội, TP HCM với số ca nhiễm lần lượt là 804, 384 và 157. Hiện, dịch xuất hiện ở 34/63 tỉnh, thành.
Hữu Công