UBND TP HCM ngày 26/11 sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt - phát điện đến năm 2025 với sự tham dự của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng.
Đại diện 18 tỉnh thành phía Nam, 36 nhà đầu tư và nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn cũng có mặt.
Đây là lần đầu một hội nghị chuyên đề riêng về lĩnh vực xử lý rác thải với quy mô lớn được thành phố tổ chức.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, hội nghị thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nhằm thông tin về tình hình xử lý rác, các công nghệ xử lý đang áp dụng và định hướng đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý rác thành điện năng (đốt rác - phát điện).
Đây cũng là dịp để giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong xử lý rác phát điện trên thế giới và tại Việt Nam; các chính sách ưu đãi đầu tư và giá mua bán điện tại TP HCM. Thành phố cũng trao đổi với các tỉnh thành về kinh nghiệm áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thành điện năng.
Mỗi ngày, TP HCM có hơn 8.000 tấn rác do 3 đơn vị phụ trách xử lý. Riêng bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư xử lý (chủ yếu bằng cách chôn lấp) khoảng 5.000 tấn; số còn lại được xử lý làm phân compose ở Phước Hiệp, huyện Củ Chi - do Công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa đảm nhận.
Cách xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp mà TP HCM đang áp dụng bị cho là lạc hậu, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Trong thực tế, năm ngoái Đa Phước - bãi chôn lấp rác lớn nhất TP HCM đã đã bị cơ quan chức năng xác định là thủ phạm gây mùi hôi mà người dân ở Nam Sài Gòn (các quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) phải chịu đựng suốt nhiều tháng.
Tại cuộc gặp với các nhà đầu tư hạ tầng tháng hồi tháng 6 năm nay, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định thành phố mời gọi và sẽ tạo điều kiện cho các dự án đầu tư xử lý rác nhưng phải sử dụng công nghệ hiện đại.
Theo nghị quyết của HĐND TP HCM, đến năm 2020 thành phố phải giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt thêm 26% so với hiện nay (tương đương hơn 2.000 tấn rác mỗi ngày) và chuyển khối lượng này sang tái chế, đốt…
Báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015 thành phố đã đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng cho giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý rác; chiếm tỷ trọng 7,5% tổng ngân sách thành phố chi cho đầu tư phát triển.
Năm 2016 đã ghi kế hoạch vốn là 1.408 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,5% tổng chi đầu tư phát triển. Tổng vốn đã ghi đợt một năm nay là 392 tỷ, chiếm 2,1% tổng chi đầu tư phát triển.
Hữu Nguyên