20 đoàn tham gia sự kiện hầu hết là sàn diễn xã hội hóa, quy tụ dàn nghệ sĩ gạo cội của kịch nói thành phố. Idecaf mang đến hai vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử và Má ơi, út dìa, với các diễn viên Đại Nghĩa, Đình Toàn, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Quang Thảo. Sân khấu Thiên Đăng góp mặt với vở Giáng Hương, do Thành Lộc, Lê Khánh, Hữu Châu đóng chính.
Bà "bầu" Hồng Vân chọn Bông cánh cò - nhạc kịch có Thanh Thủy, Cẩm Ly diễn xuất. Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ so tài với tác phẩm trinh thám - bí ẩn Đêm vượn hú. Đồng chí - vở của Hội sân khấu TP HCM - khai thác cuộc sống hậu chiến, do đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Quốc Thịnh thực hiện.
Các tác phẩm có thời lượng 90-150 phút, được dàn dựng từ năm 2021 đến nay. Các sân khấu dự thi diễn tại sàn diễn riêng của từng nơi, những đơn vị không có địa điểm sẽ diễn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1). Sự kiện tổ chức từ ngày 12 đến 29/11, là một trong những hoạt động trọng tâm của thành phố, hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu, đơn vị phối hợp thực hiện - đánh giá dù diễn ra lần đầu, liên hoan được các nơi hưởng ứng nồng nhiệt. Một số tác phẩm đã được công diễn nhưng các đơn vị đều chỉnh sửa để nâng cấp nội dung. 26 vở đa dạng về thể loại, từ kịch lịch sử, truyền thống cách mạng đến tâm lý - xã hội, thiếu nhi.
Nếu ở nhiều liên hoan khác, các vở được dựng để đi thi, sau đó "cất kho", nhiều tác phẩm góp mặt ở Liên hoan sân khấu TP HCM thu hút khán giả, thậm chí "cháy" vé nhiều đêm liền, như Giáng Hương - do Thành Lộc đạo diễn.
Đại diện Hội cho biết liên hoan thể hiện sức sống của sân khấu kịch TP HCM, giúp công chúng hình dung rõ hơn về lực lượng làm nghề. "Sau sự kiện, ban tổ chức sẽ đúc kết ưu điểm lẫn hạn chế, từ đó góp phần có giải pháp định hướng hoạt động, thúc đẩy các đơn vị nâng cao chất lượng tác phẩm", ông Ngọc Giàu nói.
Mai Nhật