Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND TP HCM cho biết, dự án đường nối Đại lộ Đông Tây với cao tốc TP HCM - Trung Lương đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dài 2,7 km, rộng 60 m gồm 10 làn xe. Với tổng mức đầu tư 2.371 tỷ đồng, dự án có chi phí xây dựng 1.346 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác gần 135 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 407 tỷ đồng; đền bù giải tỏa hơn 482 tỷ đồng.
Hiện, dự án đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương chưa được phê duyệt trong danh mục dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT. Tại buổi làm việc với UBND TP HCM mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thống nhất triển khai dự án theo hướng phân kỳ đầu tư trước 4-6 làn xe theo hình thức BOT.
Theo UBND thành phố, trong bối cảnh ngân sách Trung ương và TP HCM nói chung còn hạn chế, việc thu xếp nguồn vốn ODA đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Hiện, duy nhất Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (đơn vị đang thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương) quan tâm và đã trình đề xuất dự án. Công ty này đã có văn bản cam kết đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án theo đúng tiến độ, đạt chất lượng và chứng minh tính khả thi trong việc hoàn vốn đầu tư trong khoảng thời gian là 20 năm 2 tháng.
Vì vậy, để nhanh chóng triển khai dự án, kịp khởi công vào ngày 2/9 nhằm phát huy hiệu quả đại lộ Võ Văn Kiệt, giảm ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư theo hợp đồng BOT. Nếu đàm phán không thành công thì các khoản chi phí đã bỏ ra để chuẩn bị đầu tư, nhà đầu tư phải chịu.
UBND TP HCM cho biết, việc đầu tư xây dựng đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương nhằm góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía tây nam thành phố và kết nối giao thông giữa thành phố với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc xây dựng và sớm đưa tuyến đường này vào khai thác có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng được nhu cầu giao thông ngày càng gia tăng.
Hữu Công