Họp trực tuyến với Sở Y tế TP HCM ngày 22/10, Thứ trưởng Sơn nhận định thành phố vừa trải qua thời điểm hết sức khó khăn trong hơn 4 tháng, nhiều chiến lược chống dịch được áp dụng đã đạt được một số thành công bước đầu. Số bệnh nhân ở các bệnh viện điều trị Covid-19 đang giảm dần, trường hợp trở nặng ngày càng ít, số ca tử vong từ hàng trăm mỗi ngày giảm xuống 33 ca trong hôm qua.
Thứ trưởng Sơn cho rằng đợt dịch Covid-19 vừa qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Luôn trong tâm thế sẵn sàng chủ động, nhưng ngành y tế vẫn có những thời điểm bối rối. "Cần tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm đúc rút qua đợt dịch này, không lơ là chủ quan trong bình thường mới", ông Sơn nói và nhấn mạnh "ngành y tế cần nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng phòng chống dịch".
Xác định không thể về trạng thái "zero Covid" khi mà bệnh nhân Covid-19 vẫn còn đến bệnh viện cũng như y tế cơ sở thăm khám hàng ngày, ông Sơn yêu cầu tất cả cơ sở y tế phải sẵn sàng vị trí, địa điểm, bố trí thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. Bộ Y tế sẽ sớm ban hành công điện hướng dẫn các tiêu chí thu dung điều trị tại cơ sở y tế trong bối cảnh thích ứng mới.
Theo Thứ trưởng Y tế, khi dịch xuất hiện, ngành y tế TP HCM bắt tay vào trận chiến. Khi dịch ngấm sâu, lan rộng vào cộng đồng, thành phố có sự chung tay hỗ trợ của các lực lượng chi viện từ các bộ ngành và các tỉnh thành. Khi dịch qua đi, gánh nặng phòng chống dịch trên địa bàn vẫn rất lớn, đòi hỏi ngành y tế phải có sắp xếp phù hợp trong bối cảnh thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 từ ngày 1/10, góp phần khôi phục hoạt động sôi động của đầu tàu kinh tế cả nước.
Những trung tâm hồi sức Covid-19 do các bệnh viện tuyến trung ương cùng TP HCM thiết lập từ cuối tháng 7, thành phố đang dần tiếp quản khi lực lượng chi viện rút quân. Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp quản ba đơn vị do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách tại bệnh viện dã chiến 16, cách đây một tuần. Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM tiếp nhận Trung tâm ICU do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phụ trách hơn hai tháng tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh). Riêng Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ thành phố đến cuối năm, sau đó Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp quản.
Thứ trưởng Sơn ủng hộ kế hoạch của TP HCM lập bệnh viện dã chiến 3 tầng trên cơ sở sáp nhập các bệnh viện dã chiến số 13, số 14, số 16 và ba trung tâm hồi sức nằm kế cạnh, giúp hệ thống điều trị liền kề về một mối, đỡ chuyển viện bệnh nhân đi xa. Người bệnh từ nhẹ trở nặng sẽ được chuyển khu ICU, khi nhẹ hơn được chuyển về tầng dưới theo dõi, ngay trong cùng khu vực.
"Các trung tâm hồi sức nên đăng ký năng lực tiếp nhận bệnh tối đa để thành phố có điều động phù hợp", ông Sơn nói. Thứ trưởng đề nghị TP HCM nếu có vướng mắc, khó khăn cần báo cáo sớm với Bộ Y tế để cùng có giải pháp tháo gỡ, không để ảnh hưởng việc thu dung điều trị bệnh nhân.
Các bệnh viện dã chiến đang trong lộ trình giải thể khi số bệnh nhân giảm dần. Ông Sơn yêu cầu bên cạnh việc tái cơ cấu hệ thống y tế phù hợp tình hình mới, cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở trong công tác theo dõi, phát hiện, xử lý, khoanh vùng dập dịch, đáp ứng "mỗi phường xã là pháo đài chống dịch".