Sở Xây dựng TP HCM vừa có văn bản chấp thuận cho 3 dự án trên địa bàn được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Các dự án này tọa lạc tại Thủ Thiêm (quận 2), Phú Mỹ Hưng (quận 7), Bình Chiểu (Thủ Đức). Lượng nhà ở mới tại Sài Gòn hiện nay khá khiêm tốn, tổng rổ hàng từ 3 dự án đủ điều kiện huy động vốn chưa đến nghìn căn.
Từ 22/2, lãnh đạo TP HCM cho biết sẽ rút ngắn quy trình thủ tục pháp lý các dự án nhà ở cũng như đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc cho các dự án hàng tuần, đến đầu tháng 3/2020 nguồn cung mới vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Trong khi đó, Bình Dương là sân sau kế cận và có thị trường bất động sản kém sôi động hơn Sài Gòn nhưng lại có nhiều dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn. Sở Xây dựng Bình Dương vừa cập nhật thêm 8 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với gần 5.000 căn hộ được tung ra thị trường.
Xét về rổ hàng mới, TP HCM đang tụt lại phía sau Bình Dương về số dự án và lượng nhà ở đủ điều kiện pháp lý huy động vốn. Các dự án nhà ở tại Bình Dương đều tọa lạc tại Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một. Riêng Dĩ An và Thuận An là hai địa bàn có lộ trình được nâng cấp từ thị xã lên thành phố, kết nối thuận tiện về TP HCM. Điểm đáng chú ý là khá nhiều doanh nghiệp TP HCM dịch chuyển về Bình Dương đầu tư phát triển dự án.
Tổng giám đốc Công ty Viethome, Nguyễn Anh Đào cho biết, nguồn cung căn hộ tại Bình Dương bắt đầu tăng mạnh từ năm 2019 và tiếp tục phủ sóng thị trường trong năm 2020, rơi đúng vào chu kỳ TP HCM hạn chế cấp phép các dự án nhà ở mới. Ước tính, tổng rổ hàng căn hộ mới được tung ra tại Bình Dương có thể lên đến vài chục nghìn trong giai đoạn 2018-2020. Các đơn vị phát triển đến từ TP HCM chiếm đến 70% nguồn cung này.
Làn sóng đầu tư căn hộ rầm rộ tại Bình Dương đã bắt đầu đẩy giá nhà chung cư tại thủ phủ khu công nghiệp này lên cao. Với nguồn cung lấn lướt TP HCM trong ngắn hạn, Bình Dương đón làn sóng đầu tư dịch chuyển ra khỏi Sài Gòn ở hai nhóm đối tượng: mua để an cư và mua để khai thác cho thuê trung dài hạn.
Trung Tín