Thông tin được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nêu tại Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP HCM, sáng 17/6.
Hiện, TP HCM được biết đến là trung tâm ghép tạng lớn cũng như nhi khoa chuyên sâu của cả nước. Các cơ sở y tế được đầu tư, phát triển, là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật cho cả khu vực phía Nam, tương đương các cơ sở y tế tuyến trung ương ở Hà Nội, như Nhi đồng Thành phố, Từ Dũ, Chợ Rẫy, Nhiệt đới, Ung bướu...
Thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vào tháng 4/1998 tại Bệnh viện Từ Dũ. Ngày nay, chi phí IVF ở TP HCM chỉ bằng 1/6 so với các nước khu vực và trên thế giới, trong khi tỷ lệ thành công đạt 50-60%, theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương.
Những kỹ thuật phức tạp của thế giới đã được các bệnh viện thành phố áp dụng thành công. Ca ghép thận thành công đầu tiên của cả nước tiến hành tại Chợ Rẫy cách đây 30 năm. Nhiều kỹ thuật đi đầu, như phẫu thuật robot cắt ung thư thận tại Bệnh viện Bình Dân, kỹ thuật giải trình tự gene các bệnh mới nổi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình...
Hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, với 66 bệnh viện tư nhân trong số gần 330 bệnh viện tư nhân cả nước, chiếm tỷ lệ gần 20%. Số lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú và nội trú năm 2022 tại thành phố đạt hơn 7,6 triệu.
Đây là những cơ sở để TP HCM xây dựng các nhóm giải pháp, trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực, theo ông Thượng. "Nếu tầm nhìn này thành công, thành phố không chỉ thu hút người dân trong nước, mà còn nhiều du khách quốc tế đến khám chữa bệnh kết hợp du lịch", người đứng đầu y tế thành phố nói.
Những nhóm giải pháp được ông Thượng đưa ra là hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện - trường. TP HCM sẽ xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở. Đẩy mạnh kết hợp y tế hiện đại và y học cổ truyền, phát triển du lịch y tế. Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu và phát triển kỹ thuật chuyên sâu sẽ được đầu tư theo mũi nhọn như ung thư, tim mạch, chấn thương chỉnh hình...
Từ cuối năm 2022, lãnh đạo TP HCM đã định hướng phát triển địa phương thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả nước và Đông Nam Á. Theo đó, giới chức sẽ bố trí quỹ đất cũng như nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xã hội nhằm phát triển hệ thống các bệnh viện cửa ngõ, bệnh viện chuyên sâu.
Tháng 1 năm nay, Sở Y tế kiến nghị UBND TP thành lập Trung tâm tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật bằng công nghệ cao quy mô khu vực, cử nhân sự đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài để đưa trung tâm hoạt động vào năm 2025. Trung tâm này sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm ở giai đoạn chưa có triệu chứng, từ đó can thiệp sớm, hiệu quả điều trị cao, làm giảm số lượt người dân đi ra nước ngoài để chữa bệnh, thu hút khách du lịch, người nước ngoài.
Hiện Thái Lan là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về lượng du khách đến khám chữa bệnh kết hợp du lịch, tiếp theo là Singapore và Malaysia. TP HCM cũng như Việt Nam chưa có tên trong danh sách những nơi thu hút khách quốc tế đến sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Mỹ Ý