Đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương sáng 5/2, ông Đinh La Thăng cho biết, TP HCM là một đô thị đặc biệt với gần 13 triệu dân. Trong đó, công nhân lao động là lực lượng nòng cốt trong việc đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, đời sống của công nhân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chỗ ở.
"TP HCM muốn học tập, chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân với mức giá hợp lý nhưng vẫn có không gian sống thoải mái cùng các điều kiện sinh hoạt cộng đồng đầy đủ như căn hộ thương mại", ông Thăng nói sau khi đánh giá cao mô hình nhà ở xã hội của Bình Dương.
Ông Thăng cho rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân tại TP HCM là rất lớn. Sắp tới, thành phố sẽ kêu gọi doanh nghiệp cùng với chính quyền xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. "TP HCM coi đây là một trong những chương trình đột phá", ông Thăng nói.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh có khoảng 2 triệu người, trong đó dân nhập cư chiếm xấp xỉ 50%. Từ năm 2008, tỉnh đã triển khai 85 dự án nhà ở xã hội, với 70.000 căn hộ. Đến nay, 25 dự án đã được đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, để giữ chân người lao động, 200 doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng 270.000 m2 nhà ở. Dự kiến đến năm 2020, gần 1,7 triệu m2 nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, đáp ứng cho 1,2 triệu công nhân lao động trên địa bàn.
"Nhà ở xã hội có giá bán ưu đãi, hỗ trợ cho vay, với mức giá từ 100-200 triệu đồng một căn hộ 30 m2 đã nhanh chóng được công nhân đón nhận", ông Liêm nói và cho biết vẫn còn nhiều công nhân, người có thu nhập thấp chưa đủ khả năng mua nhà, nguyên nhân là họ khó tiếp cận được các nguồn vốn vay...
Sau buổi làm việc, ông Đinh La Thăng đã đi thăm thực tế tại các dự án nhà ở an sinh xã hội Định Hòa, Hòa Lợi tại TP Thủ Dầu Một và tìm hiểu đời sống của công nhân lao động đang sinh sống tại đây.
Nguyệt Triều