*TP HCM - Hà Nội: 19h15 thứ Sáu 24/7, trên VnExpress.
Ở các giải VĐQG theo thể thức đá đường dài tích điểm xếp thứ tự, ở một thời điểm nào đó, không dễ để dự đoán chính xác nhà vô địch. Nhưng nếu căn cứ vào các con số thống kê, hoàn toàn có thể xác định chắc chắn một đội bóng không thể vô địch.
Cụ thể, với V-League, khả năng vô địch sẽ dựa vào số trận thắng tối thiểu. Do số lượng các CLB tham gia V-League từ năm 2001 đến nay không cố định, khả năng này được tính căn cứ theo tỷ lệ phần trăm của chiến thắng trên tổng số vòng đấu. Theo đó, mức bình quân tối thiểu để một đội tiệm cận khả năng vô địch là 56%, tương ứng 15 trận thắng cho mùa giải có 26 vòng (14 đội), hoặc 12 trận thắng cho giải có 22 vòng (12 đội). Thậm chí, mùa giải 2006, Đồng Tâm Long An vô địch khi chỉ thắng đúng 50% (12 trong tổng số 24 trận).
Tóm lại, trừ mùa giải đặc biệt 2018 khi Hà Nội FC quá mạnh, thắng đến 20 trong 26 trận (77%), dựa trên thống kê, bất kỳ đội bóng nào đạt đến 60% là chắc chắn vô địch. Ở chiều ngược lại, đội nào không thể đạt đến mức 50% thì đương nhiên không đăng quang. Trong hai tỷ lệ này, thông thường việc xác định đội không thể vô địch dễ đưa ra dự báo sớm hơn. Khả năng vô địch có khi phải đợi đến những vòng đấu cuối, nếu có nhiều hơn hai đội cùng cơ hội đạt tỷ lệ thắng trận tương đương. Điều này đã diễn ra ở mùa 2016 khi Hà Nội, Hải Phòng cùng 50 điểm với số trận thắng lần lượt là 16 và 15, hay mùa 2017, khi Quảng Nam và Thanh Hóa có 13 trận thắng (tỷ lệ 50%) và cùng 48 điểm.
Mùa 2020, con số tối thiểu để tính đến chuyện vô địch sẽ là 10 trận thắng. Thậm chí có thể chỉ là chín, thấp hơn mức 50%, do thể thức của V-League 2020 khiến tỷ lệ thắng trận chắc chắn giảm đi rất nhiều. Bình thường, một đội bóng mạnh có nhiều trận đấu với các đội yếu. Nhưng năm nay, khi top 8 vào tranh vô địch ở giai đoạn hai, phần lớn số trận sẽ là đối đầu trực tiếp, không còn gặp những đội mất động lực, nên cơ hội thắng trận cũng ít dần.
Năm 2013, V-League cũng chỉ đá 20 trận, Hà Nội T&T vô địch với 11 trận thắng, hơn đội về nhì là Đà Nẵng đúng một trận. Chính vì thế, nếu bây giờ nói Sài Gòn FC sẽ vô địch thì quá sớm vì họ chỉ mới giành sáu trận thắng, nhưng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận về cơ hội của các ứng cử viên như Hà Nội và TP HCM.
Đương kim vô địch Hà Nội thực sự còn quá ít cơ may, dù vẫn còn đến 10 vòng. Chưa cần bàn đến cách biệt bảy điểm ít hơn Sài Gòn FC, điều quan trọng là thầy trò Chu Đình Nghiêm mới giành bốn chiến thắng, tức là để bảo vệ thành công chức vô địch, tối thiểu họ cần đến sáu chiến thắng nữa trong 10 vòng cuối. Về lý thuyết, điều này có thể xảy ra, nhưng không phải với một CLB Hà Nội "nát như tương" về lực lượng hiện nay. Đội chủ sân Hàng Đẫy túng quẫn đến mức phải "nhắm mắt" ký với thủ môn Bùi Tấn Trường hồi đầu mùa, và vừa tuyển mộ lão tướng đã 36 tuổi Lê Tấn Tài vào giữa mùa. Hai cầu thủ U40 này sẽ rất khó "nâng cấp" chất lượng đội hình Hà Nội.
Vì thế, trận đấu với TP HCM gần như là cơ hội cuối của Hà Nội. Nếu thắng, họ vừa bớt đi một đối thủ, vừa giành trận thắng thứ năm, rút ngắn được mục tiêu cần phải đạt. Ngược lại, nếu thua, V-League 2020 gần như chắc chắn sẽ có tân vương.
Liệu "nhà vua mới" có phải là TP HCM hay không thì cũng phải tùy vào kết quả trên sân Thống Nhất hôm nay. Nếu thua Hà Nội, cửa vô địch sẽ khép lại với đoàn quân của HLV Chung Hae-seong dù họ đang có trong tay năm trận thắng. Năm 2013, Hà Nội lên ngôi sau 20 vòng thì số trận thua của họ chỉ là bốn, trong khi TP HCM mùa này đã thua ba trận, thêm trận nữa sẽ là bốn. Chưa biết họ có đạt đến 11 trận thắng hay không, nhưng với phong độ thất thường hiện nay, TP HCM vẫn có thể thua thêm trong những trận còn lại. Với thể thức năm nay, tỷ lệ trận thua có thể tăng đột biến. Sài Gòn FC sở dĩ bỏ xa các đối thủ, không phải vì họ vượt trội về số trận thắng mà vì họ chưa để thua trận nào.
Nhưng trận TP HCM - Hà Nội đáng để giới mộ điệu bóng đá Việt Nam quan tâm, không chỉ vì chuyện "sinh tử" của hai đội bóng này. Những hệ quả của nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến cục diện V-League mùa này.
Nếu Hà Nội thắng, câu chuyện về cuộc đua vô địch mùa này sẽ rất thú vị. Năm 2017, khi bầu Hiển chuyển giao đội bóng cho tỉnh này bằng cách đổi tên từ QNK Quảng Nam thành Quảng Nam FC thì đó cũng là năm đội bóng miền Trung vô địch. Năm 2009, khi chuyển Đà Nẵng về lại cho địa phương và bầu Hiển chỉ đóng vai nhà tài trợ, thông qua thương hiệu ngân hàng SHB, thì ngay lập tức đội bóng sông Hàn lên ngôi.
Năm nay, bầu Hiển cũng vừa chuyển giao Sài Gòn FC cho ông chủ mới, và thật trùng hợp khi đội bóng này đang đứng trước cơ hội lớn để vô địch. Một lần có thể là ngẫu nhiên, hai lần thì cần đặt một dấu hỏi. Thế nên, nếu Hà Nội thắng TP HCM, không những họ "giúp" Sài Gòn FC loại bỏ bớt một đối thủ, mà chính họ sẽ điền tên mình vào tốp 8. Sự có mặt của Hà Nội tại đó, dù cơ hội vô địch không tăng lên, ít nhiều cũng sẽ giúp Sài Gòn FC tự tin hơn trong hành trình chinh phục chức vô địch đầu tiên cho bóng đá thành phố này sau 18 năm chờ đợi.
Và ở chiều ngược lại, nếu TP HCM đánh bại Hà Nội, xem chừng Sài Gòn FC sẽ rất cô đơn ở giai đoạn hai. Hà Nội mà thua trận, bên cạnh viễn cảnh mất ngôi vương, còn đối diện với nguy cơ rớt xuống nhóm sáu đội tranh trụ hạng ở giai đoạn hai. Con số tối thiểu để vào top 8 là 18 điểm, trong khi Hà Nội mới được 15. Sau trận đấu với TP HCM, họ lần lượt gặp Quảng Nam và Thanh Hóa trong các trận còn lại của giai đoạn một.
Song Việt