Yêu cầu được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại Hội nghị Thành ủy thành phố mở rộng tối 25/7, trong bối cảnh TP HCM trải qua 17 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và ghi nhận hơn 58.000 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư.
"Từ tối mai, người dân không ra đường sau 18h. Tất cả hoạt động tạm dừng, trừ trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch", ông Phong nói.
Trước đó, Chủ tịch TP HCM cho biết hiện nay một số địa bàn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi trên đường dù thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
"Sáng nay, đi từ trung tâm xuống Bình Tân, Củ Chi rồi qua TP Thủ Đức, tôi đã gọi từng chủ tịch quận huyện, làm việc ngay với công an, quân sự để có biện pháp siết chặt ngay", ông Phong nói và cho biết văn bản 2468 về tăng cường các biện pháp mạnh mẽ thực hiện Chỉ thị 16 từ hôm qua nhưng tình trạng này đến nay vẫn xảy ra.
"Chúng ta phải nhận thấy việc này rất nguy hiểm, là nguyên nhân khiến dịch kéo dài. Nếu không kiểm soát dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc chúng ta áp dụng những biện pháp mạnh và cao hơn, có thể ảnh hưởng rất nhiều mặt", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, trước đây thành phố đưa ra 3 kịch bản sau khi hết 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Thời gian qua dù rất cố gắng thành phố không đạt được mục tiêu như kịch bản thứ nhất là kiểm soát được dịch nên thực hiện kịch bản thứ hai tăng cường các biện pháp mạnh mẽ, siết chặt Chỉ thị 16. Với tình hình như hiện nay, kịch bản thứ ba nhiều khả năng sẽ phải áp dụng cùng nhiều biện pháp khẩn cấp.
"Đây là điều thành phố không muốn, nhưng chỉ có một con đường là phải chiến thắng dịch bệnh nên tôi đề nghị các đồng chí trên tinh thần Chỉ thị 12 phải quyết liệt triển khai các giải pháp mà văn bản 2468 đề ra", ông Phong nói.
Theo ông Phong, để kịch bản thứ ba không xảy ra, trên cơ sở Chỉ thị 12, UBND thành phố đã ban hành công văn 2468, với các biện pháp rất quyết liệt, chắc chắn ảnh hưởng nhiều đời sống người dân. "Tôi mong người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền thành phố để công tác chống dịch đạt kết quả", ông Phong nói và cho rằng nếu người dân còn ra đường dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị lực lượng công an, quân sự và chính quyền địa phương phải tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24h; đồng thời kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại các khu dân cư, trên đường phố và xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính nếu chống đối lực lượng chức năng. Các cá nhân vi phạm quy định, gây lây lan dịch, cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
"Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm giải quyết phản ánh của người dân, dẫn đến dịch lây lan tại nơi mình quản lý", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu địa phương phải tập trung lực lượng siết chặt các khu phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tổ chức mang nhu yếu phẩm đến từng nhà hoặc tổ chức tình nguyện viên đi chợ thay.
Các tổ chức, cá nhân muốn trợ giúp lương thực cho người dân khu vực phong tỏa cần liên hệ tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.
Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP HCM Phan Văn Mãi cho biết để thực hiện nghiêm Chỉ thị 12, hai tuần tới thành phố tập trung 5 nhóm nhiệm vụ.
Thứ nhất, tuyên truyền, vận động để các ngành, các cấp, người dân thành phố tự giác phòng chống dịch, hợp tác thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Thứ hai, chính quyền thành phố bằng nhiều biện pháp sẽ tổ chức giãn cách xã hội triệt để.
Thứ ba, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống để đảm bảo việc thực hiện giãn cách nghiêm.
Thứ tư, đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu, nhất là lương thực thực phẩm, trong đó chú ý việc chăm lo đời sống cho người nghèo, người yếu thế.
Thứ năm, đảm bảo hoạt động cho hệ thống y tế, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, đặc biệt điều trị bệnh nhân Covid-19.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng, 16 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thành phố làm được nhiều việc, cứu nhiều người, nhưng cũng còn nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được.
"Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị thành phố, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp, chúng ta xin nhân dân lượng thứ", ông Nên nói và cho rằng do nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế đang quá tải khiến số bệnh nhân tăng cao, người tử vong cũng tăng theo.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng cho biết, hơn 50 ngày giãn cách xã hội, TP HCM nhận sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ các cơ quan Trung ương. Thành ủy thành phố luôn trân trọng, biết ơn những sự quan tâm đó, đặc biệt là Bộ Y tế và các chiến sĩ áo trắng.
Theo ông Nên, những ngày tới thành phố tập trung khâu điều trị, đồng thời áp dụng nghiêm Chỉ thị 16 để ngăn chặn, hạn chế lây lan mới. "Khi mọi người dân thực hiện triệt để giãn cách là cơ hội để chúng ta phát hiện, điều trị, xử lý những người đã nhiễm. Nếu giữ đúng tinh thần này, sau hai tuần hy vọng không phát sinh ca mới, thành phố kiểm soát được dịch", ông Nên nói.
Đánh giá những ngày giãn cách sắp tới những người lao động nghèo, thu nhập thấp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu chính quyền thành phố tiếp tục nỗ lực cao nhất để chia sẻ, hỗ trợ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của bà con.
"Ở đâu còn để thiếu ăn, thiếu mặc là lỗi Bí thư, Chủ tịch xã, phường đó", ông Nên nói và cho biết thành phố đã giải ngân gần 500 tỷ đồng cho hơn 320.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp ở các địa phương. Thành phố quyết tâm chi trả nhanh nhất để các hộ dân khó khăn sớm nhận được hỗ trợ.
Mạnh Tùng - Hữu Công