Yêu cầu trên được đề cập trong văn bản khẩn về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trong đợt cao điểm phòng, chống do Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong ký ngày 3/6.
Theo đó, các cơ quan cần ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc tại nhà. Người đứng đầu đơn vị căn cứ tính chất công việc phân công nhân sự phù hợp, không để công việc đình trệ. Người lao động thường xuyên cập nhật tiến độ công việc, mở điện thoại 24/24, không ra khỏi nhà khi chưa cần thiết.
Đối với các đơn vị đặc thù, các sở ngành, quận huyện báo cáo Sở Nội vụ để tổng hợp gửi UBND TP HCM xem xét, quyết định. Người đứng đầu các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm Covid-19 trong đơn vị mình phụ trách.
Các đoàn kiểm tra, thanh tra cũng được yêu cầu tạm dừng nhiệm vụ nếu không thật sự cần thiết, dừng tiếp công dân tại trụ sở. Việc tiếp nhận, giải quyết cho người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Người đứng đầu các đơn vị ở địa bàn khác cần tạo điều kiện cho người lao động đang ở khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 gồm quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 làm việc tại nhà. Nếu phải đến trụ sở, những người này cần có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV.
Riêng với các cơ quan, đơn vị nhà nước có trụ sở trên địa bàn quận Gò vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 (gồm UBND quận Gò vấp và UBND các phường trực thuộc và UBND phường Thạnh Lộc, quận 12) chính quyền thành phố yêu cầu bố trí tối đa 1/3 nhân sự làm việc tại trụ sở. Số này không gồm lực lượng phòng, chống Covid-19 được huy động, và phải thực hiện nghiêm khai báo y tế khi ra vào địa bàn đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
Đến cuối năm 2021, thành phố có hơn 11.000 công chức và gần 112.000 người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ ngày 27/4 đến nay TP HCM ghi nhận 275 ca dương tính nCoV, trong đó 265 trường hợp có liên quan chuỗi lây nhiễm Hội truyền giáo Phục hưng tại Gò Vấp. Hiện, 6.029 cách ly tập trung và 12.308 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Hữu Công