"Trung tâm hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đến nay đã hoàn thành sứ mệnh", Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch chiều 10/2. Hiện chưa rõ thời gian trung tâm ICU này ngưng hoạt động hoàn toàn.
Đây là trung tâm ICU dành cho bệnh nhân Covid-19 lớn nhất tại TP HCM cũng như cả nước. Giữa tháng 7/2021, dịch bệnh Covid-19 tại thành phố diễn biến phức tạp, số ca mắc mới, trở nặng và tử vong tăng cao. Thành phố khi ấy đã trưng dụng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vừa xây dựng xong, lập thành trung tâm ICU điều trị F0 nặng và nguy kịch, với quy mô 1.000 giường. Từ đó đến nay, trung tâm đã điều trị hơn 5.000 bệnh nhân nặng nguy kịch.
Theo bà Mai, hiện có hai lý do để giải thể ICU này. Thứ nhất, số bệnh nhân Covid-19 thuộc nhóm nặng và nguy kịch đang điều trị tại đây đã giảm dần trong thời gian qua và hiện nay gần bằng không. Những trường hợp đã điều trị ổn định, đủ điều kiện sẽ xuất viện hoặc tùy tình trạng được chuyển đến hai ICU tại hai bệnh viện dã chiến 14 và 16. Người bệnh vẫn được đảm bảo các quyền lợi điều trị. Dựa trên tình hình thực tế, Bệnh viện Chợ Rẫy (đơn vị được giao quản lý và vận hành ICU), đã đề xuất giải thể trung tâm và Sở Y tế khảo sát, UBND thành phố đánh giá phù hợp.
Thứ hai, mục tiêu ban đầu xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là phục vụ người dân có bệnh lý liên quan đến ung thư. Nhu cầu điều trị của bệnh nhân ung bướu đang tăng cao, cơ sở 2 đã đến lúc phải mở cửa phục vụ người ung thư theo đúng mục đích ban đầu.
Cũng theo bà Mai, mặc dù ICU Covid-19 lớn nhất đóng cửa, TP HCM vẫn luôn sẵn sàng 1.000 giường ICU cho bệnh nhân Covid-19, gồm 600 giường ở hai trung tâm hồi sức đặt tại hai bệnh viện dã chiến số 14 và 16; 200 giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và 200 giường tại Chợ Rẫy.
Ngoài ra, bà Mai cho biết TP HCM cũng sẽ đóng cửa Bệnh viện dã chiến số 12 (đơn vị dành riêng để thu dung, điều trị F0 nhiễm biến chủng Omicron), cùng với hai bệnh viện dã chiến số 6 và 8. Nguyên nhân là đã hết F0 và cơ sở vật chất các bệnh viện này trưng dụng khu chung cư chưa hoạt động, do đó về điều kiện khó có thể chăm sóc tốt cho người bệnh. Bộ Y tế cũng chỉ đạo: các bệnh nhân nhiễm Omicron không chỉ khu trú ở bệnh viện dã chiến 12 mà có thể lựa chọn cách ly, điều trị tại bệnh viện tư nhân hoặc tại nhà. Vì vậy, bệnh viện số 12 cũng đã hoàn thành sứ mệnh, có thể đóng cửa.
Như vậy, thành phố tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tại quận, huyện và khu chế xuất Linh Trung, khu công nghệ cao TP HCM; các bệnh viện dã chiến 13, 14, 16. Các bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, An Bình, huyện Củ Chi, bệnh viện điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân đã chuyển đổi công năng hoặc "tách đôi" để điều trị Covid-19 sẽ phục hồi công năng ban đầu và thành lập thêm khoa, đơn vị điều trị Covid-19.
"Khi cần thiết, trong vòng 24 giờ, Sở Y tế sẽ kích hoạt lại các bệnh viện điều trị Covid-19 đã tạm ngưng hoạt động", bà Mai nói.
Tính đến chiều 9/2, thành phố ghi nhận hơn 515.000 ca Covid-19 (đã được Bộ Y tế công bố), chủ yếu là ca cộng đồng. 618 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 88 ca nặng đang thở máy; 13 bệnh nhân cần can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Trong ngày 9/2 thêm 97 ca nhập viện, 39 ca xuất viện, 4 ca tử vong. Đến nay thành phố ghi nhận 92 ca mắc chủng Omicron và chưa có ca nào tử vong do biến chủng mới này.
Chánh văn phòng Sở Y tế nhận định số ca nhiễm mới đã giảm về mức 3 con số mỗi ngày, nhưng dự kiến vài ngày tới có xu hướng tăng. Tuy nhiên, số ca nặng, thở máy và tử vong đang giảm, do quá trình điều trị tốt.
Tổng số vaccine thành phố đã tổ chức tiêm là hơn 8,1 triệu mũi một và gần 7,3 triệu mũi hai. Ngoài ra, hơn 4,5 triệu mũi ba đã được triển khai, gồm hơn 661.000 mũi bổ sung và hơn 3,9 triệu mũi nhắc lại. Thành phố đang cố gắng đạt mục tiêu phủ mũi ba cho 80% người dân.
Chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm 5-11 tuổi, thành phố đã lên danh sách trẻ, chuẩn bị đội tiêm đến từ các bệnh viện nhi đồng, cùng đội cấp cứu... sẵn sàng triển khai tiêm an toàn ngay khi Bộ Y tế chỉ đạo tiêm chủng.
Thư Anh