Ngày 4/7, sau khi nghe Sở Du lịch báo cáo về tình hình nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch ở TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ phải đưa địa điểm nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch vào bản đồ số để phục vụ.
Ông Tuyến cho rằng không thể bắt nhà hàng, khách sạn, cửa hàng ở khu vực trung tâm thành phố treo bảng nhà vệ sinh công cộng trước mặt bằng kinh doanh buôn bán của mình. Sau khi các cơ sở này đồng ý cho du khách được sử dụng nhà vệ sinh, các Sở, ngành phải tính toán để khách du lịch có nhu cầu chỉ cần tra trên mạng là tìm được địa chỉ và có hướng dẫn, chỉ dẫn bằng bản đồ số cho họ.
“Việc treo bảng nhà vệ sinh công cộng ở những cơ quan, đơn vị này có thể sẽ khiến các thành phần xấu lợi dụng và ảnh hưởng đến việc kinh doanh mua bán”, ông Tuyến trăn trở.
Trước đó, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM cho biết nhà vệ sinh công cộng rất quan trọng với khách du lịch. Sở đã vận động các cửa hàng cho phép khách du lịch được sử dụng nhà vệ sinh khi đến thành phố du lịch hay tham quan mua sắm. “Hiện nay, một số công viên có nhà vệ sinh nhưng rất ít. Một số nơi công cộng như bến xe, nhà vệ sinh chưa đạt chỉ tiêu về môi trường, thậm chí rất ghê”, vị lãnh đạo ngành du lịch ca thán.
Đại diện UBND quận 1 cho rằng đã vận động người dân có cơ sở kinh doanh buôn bán, khách sạn nhà hàng ở mặt tiền đường của 8/10 phường đồng ý treo bảng nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách.
Bà Lê Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cho biết trên địa bàn thành phố có 208 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, tập trung ở các tuyến đường lớn, bến xe, chợ 155 nhà vệ sinh, khu vực thu hút khách du lịch có 53 nhà. Sở Giao thông Vận tải và một ngân hàng phối hợp đầu tư 11 nhà vệ sinh công cộng ở quận 1 và quận 5, trong đó có những nhà vệ sinh cao cấp.
Bà Mỹ cho rằng mạng lưới nhà vệ sinh công cộng trên toàn thành phố từ khá lâu chưa đạt chuẩn, chưa đủ, vị trí bố trí chưa phù hợp. Hiện nay, sở Tài nguyên Môi trường đang xây dựng đề án đòi hỏi các Sở, ngành và quận, huyện khảo sát đánh giá mới có bức tranh tổng thể đầu tư.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, ông Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các đơn vị phải tập trung chấn chỉnh các nhà vệ sinh công cộng cho đạt yêu cầu. Theo ông Tuyến, nhà vệ sinh không chỉ phục vụ khách du lịch mà còn phục vụ cho các dịch vụ xung quanh như tài xế xe ôm, taxi, khách vãng lai, người dân các nơi về thành phố để làm việc. Ông Tuyến yêu cầu các đơn vị phải kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn bằng hình thức cho các đơn vị này quảng bá cũng như bố trí đất từ quỹ đất hạ tầng của thành phố.
Ông Tuyến cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu mô hình nhà vệ sinh tự động từ thu tiền, mở cửa cho đến xả nước… và thí điểm ở khu vực trung tâm TP HCM. Ông Tuyến nhấn mạnh các đơn vị không nên xem nhà vệ sinh đơn thuần là một tòa nhà công cộng, đây cần được coi là công trình mẫu thú vị để khách du lịch đến tham quan. Muốn vậy, nhà vệ sinh phải tiện ích, lịch sự và mới lạ ở những quận trung tâm.
"Nhà vệ sinh công cộng phải là công trình tự nhiên về phong cảnh, vừa tiện lợi vừa thú vị, như vậy mới vừa tầm của TP HCM. Không nên thiết kế nhà vệ sinh công cộng đơn điệu hai màu trắng xanh như hiện nay”, ông Tuyến nói.
Xem thêm: Đà Nẵng phát triển dịch vụ vệ sinh miễn phí
Ngọc Hậu