Nhiên liệu tăng cao buộc thành phố chi tiền trợ giá ngày một nhiều cho phương tiện vận tải công cộng. Nhưng ngân sách thì có hạn, xe buýt cũng không nằm ngoài quy luật thị trường tự thu tự chi, nên theo nhiều chuyên gia chuyện nâng giá vé chỉ còn là vấn đề thời gian.
"Đối với các đô thị lớn như TP HCM hiện nay, xe buýt là sự sống trụ cột. Khi yêu cầu bù đắp chi phí ngày càng cao mà không có sự can thiệp của nhà nước thì loại hình này sẽ rất khó phát triển. Tuy nhiên, với những biến động chung của giá xăng dầu luôn diễn ra bất thường, mà ngân sách thành phố chỉ giới hạn, hàng triệu người dân đi xe buýt cũng phải có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng này", ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND thành phố bày tỏ băn khoăn.
Phát biểu trong buổi giám sát hoạt động xe buýt của Ban kinh tế ngân sách thành phố tại Sở Giao thông vận tải ngày 13/8, ông Khoa cho rằng, hiện thành phố mỗi năm phải trợ giá cho phương tiện vận tải công cộng này gần 600 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 5% nhu cầu đi lại của người dân. Ông nói: "Nếu mỗi người dân bỏ thêm 600 đồng cho một lượt đi thì mỗi năm sẽ được thêm gần 200 tỷ đồng".
Người dân cũng nên chia sẻ với xe buýt trong thời điểm hiện tại. Ảnh: Kiên Cường |
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải đồng tình: "Muốn tăng con số 5% người Sài Gòn đi xe buýt lên gấp đôi vào năm 2010 thì thành phố buộc phải chi tới gần 1.000 tỷ đồng. Đây là mức quá cao, vì thế việc đầu tiên cần nghĩ tới là điều chỉnh giá vé".
Ông Phó giám đốc chuyên phụ trách về xe buýt này cho biết, giá vé ở Hà Nội hiện đã là 4.000-5.000 đồng, TP HCM chỉ áp 3.000-4.000 đồng một tuyến là quá rẻ. Do đó để giải bài toán trợ giá, không cách nào khác hơn nên đặt xe buýt vào quy luật thị trường.
Theo ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban kinh tế ngân sách thành phố, Chính phủ đã có văn bản cho phép mức giá vé xe buýt dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng. Trong năm nay TP HCM không tăng là do chưa có những điều kiện thích hợp chứ không phải nhà nước không cho nâng giá vé.
Trước mắt, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị với UBND, theo đó không khuyến khích người dân sử dụng vé tháng vào chủ nhật, đồng thời nâng giá vé của học sinh sinh viên từ 35% lên 75%.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải công cộng, ngoài chuyện nghĩ tới khả năng tăng giá vé, xe buýt vẫn có thể tận dụng được các nguồn thu khác cũng như khắc phục những hạn chế nếu muốn phát triển tốt hơn.
"Nói xe buýt đã tốt, không lãng phí là không đúng, vẫn có những tuyến ít hành khách mà chưa được tính toán hợp lý, trạm dừng ngay tại nơi rào chắn đào đường cũng chưa điều chỉnh gây rất nhiều khó khăn cho người dân", ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách thành phố bức xúc.
Theo ông Hoàng, chỉ có biến động giá nhiên liệu là không thể dự đoán, còn lại tăng tiền lương cũng có lộ trình, những vấn đề khác dễ dàng kiểm soát trong tầm tay như thái độ tiếp viên, lái xe... nhưng tất cả vẫn còn tồn tại những bất cập.
Nhiều ý kiến quay về với đề xuất được quảng cáo trên xe buýt như một nguồn thu lớn bù cho chi phí vận hành, bao nhiêu năm nay TP HCM không cho phép nên đã bỏ qua khoản lợi này. Phân tích của giới chuyên môi, chủ trương cấm quảng cáo trên xe buýt của thành phố đã khiến Sài Gòn thất thu gần 100 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó mới đây lãnh đạo TP HCM chỉ cho phép quảng cáo thí điểm với xe của Công ty xe khách Sài Gòn mà không triển khai rộng khắp, là không công bằng và gây thiệt thòi cho các đơn vị kinh doanh xe buýt khác.
Tuy vậy, Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị thành phố xem xét duyệt kế hoạch điều chỉnh tăng trợ giá cả năm 2008 lên 643,8 tỷ đồng (thay vì 572 tỷ như dự toán hồi đầu năm).
Với hơn 3.200 xe buýt toàn thành phố, phương tiện này hiện vận chuyển gần 300 triệu hành khách mỗi năm, đáp ứng 6,2% nhu cầu đi lại của người dân Sài Gòn.
Kiên Cường