Đó là một phần trong dự thảo đề cương đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại thành phố mà Sở Xây dựng vừa trình cho UBND TP HCM. Các công trình không bảo đảm về diện tích tối thiểu và an toàn phòng cháy chữa cháy sẽ bị buộc dừng hoạt động.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, quy định diện tích sàn tối thiểu bình quân đầu người 5 m2 giúp giới hạn số lượng người trong mỗi phòng và số lượng phòng trong mỗi nhà trọ. Điều này sẽ đảm bảo số lượng người tập trung không quá lớn, giảm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, tai nạn, ảnh hưởng tải sản, tính mạng.
Nếu theo đề xuất này, diện tích sàn tối thiểu bình quân đầu người 5 m2 trong mỗi phòng trọ đang nhỏ hơn 3 m2 so với quy định diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký thường trú (8 m2) vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân do UBND TP HCM ban hành hồi giữa năm ngoái.
Ngoài tiêu chí diện tích, Sở Xây dựng cũng đề xuất hẻm xây dựng nhà cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu là 4 m và cách đường chính không quá 100 m. Mọi phòng trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát nạn... Phòng trọ muốn hoạt động kinh doanh phải đảm bảo các tiêu chí này.
Đề án sẽ được triển khai thí điểm hướng dẫn tại ba khu vực có đông nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ trước khi áp dụng toàn thành phố. Từ kết quả của đề án, TP HCM sẽ cập nhật dữ liệu toàn bộ nhà trọ trên địa bàn, tiến tới cập nhật, phân loại nhà trọ đạt chuẩn an toàn, và đưa vào sử dụng khai thác trên app mobile.
Đồng thời từ cơ sở này, UBND TP sẽ ban hành quyết định quy định về diện tích tối thiểu và an toàn phòng cháy chữa cháy cho nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn thành phố có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh. Chia thành hai nhóm, gồm nhóm một là dãy phòng cho thuê độc lập có 34.800 công trình, với tổng số người thuê tối đa hơn 943.000 người. Nhóm hai là nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê có 25.670 công trình, với số người thuê tối đa hơn 486.000 người.
Sau khi đối chiếu sơ bộ các tiêu chí của đề án, có khoảng 12.800 nhà trọ (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Trong đó khoảng 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn bình quân tối thiểu và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy chữa cháy. Theo Sở Xây dựng, các nhà trọ này phải thực hiện việc chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn quy định tối thiểu nếu muốn tiếp tục hoạt động.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng khảo sát người thuê trọ với kết quả, chủ yếu người thuê phòng có diện tích từ 20 đến dưới 25 m2 (chiếm 50,4%) và từ 15 m2 đến dưới 20 m2 (chiếm 30,7%). Giá thuê bình quân từ 3-dưới 5 triệu đồng (chiếm 61,4% dữ liệu khảo sát). Mỗi tháng người thuê phải trả tiền điện khoảng từ 300.000-dưới 50.000 đồng, nước từ khoảng 200.000-dưới 300.000 đồng.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng thực trạng báo động là sự an toàn của người dân sinh sống trong khu trọ không đảm bảo cả về phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường; an toàn nước sinh hoạt...
Tại đề án này, Sở Xây dựng cũng đề xuất TP HCM có chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ vay lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp cho đạt mức an toàn của quy định tối thiểu; Nếu chủ trọ có công trình không đảm bảo điều kiện tối thiểu mà có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, thành phố hỗ trợ vay vốn.
Luật Nhà ở 2024 có hiệu lực từ 1/8 đã quy định nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ mà có từ hai tầng trở lên và quy mô dưới 20 phòng trọ không phải lập dự án đầu tư nhưng phải đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và các yêu cầu khác theo quy định của từng địa phương.
Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đang dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2024, trong đó có bổ sung các quy định về thủ tục và an toàn cho thuê nhà trọ; tiêu chí an toàn phòng cháy chữa cháy.
Lê Tuyết