Thông tin được ông Phạm Minh Mẫn, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nói tại hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư nhà ở xã hội do UBND TP HCM tổ chức, sáng 6/12. "Số lượng nhà ở xã hội này phù hợp với chỉ tiêu trong chương trình một triệu căn nhà ở xã hội mà Thủ tướng giao thành phố", ông Mẫn nói.
Cụ thể, TP HCM kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vào 7 khu đất công với tổng diện tích hơn 27 ha. Trong đó, hai khu đất hơn 2,2 ha lần lượt ở phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức và phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã được thành phố đền bù, giải phóng mặt bằng. Quy mô hai dự án này là 840 căn hộ, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 860 tỷ đồng.
5 khu đất khác nằm rải rác ở quận 4 (360 Bến Vân Đồn và 61 B đường số 16) và ba khu ở phường Phước Long B và Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, có diện tích hơn 25 ha, quy mô gần 3.000 căn, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng.
Sau khi công bố 7 dự án, tại hội nghị có 21 doanh nghiệp đăng ký và cam kết từ nay đến năm 2030 sẽ cùng xây gần 52.200 căn nhà ở xã hội. Trong đó, đã có 9 doanh nghiệp có quỹ đất cụ thể ở các quận 7, Bình Tân, Bình Chánh và TP Thủ Đức với hơn 11.600 căn. Các doanh nghiệp còn lại cam kết sẽ tìm quỹ đất trên địa bàn để đầu tư với tổng số hơn 40.500 căn.
Theo ông Mẫn, thành phố còn có gói đầu tư công 11.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội với quy mô 10.000 căn. Kết hợp cả ba nguồn, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ có 70.000 căn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho rằng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố rất lớn. Theo khảo sát của công đoàn và Viện nghiên cứu phát triển thành phố thì con số này là hơn 200.000 căn. Do đó, thành phố kêu gọi đầu tư 7 dự án, tổng số căn hộ gần 4.000 "là quá ít".
"Tôi kỳ vọng thành phố phải tìm quỹ đất và kêu gọi 30-40 dự án để doanh nghiệp tham gia", ông Châu nói, cho rằng quy định bắt buộc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp chọn phương án hoán đổi và muốn giao phần đất đó cho thành phố xây nhà ở xã hội. Do đó, thành phố cần sớm tháo gỡ, huy động quỹ đất này để kêu gọi nhà đầu tư cùng làm.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng trước đây dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất sẽ được nhà nước hoàn trả lại. Do đó, tiền này không được hoạch toán vào chi phí, giúp kéo giảm giá nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo quy định mới, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để tạo lập quỹ đất không được nhà nước hoàn trả cho doanh nghiệp nữa.
"Doanh nghiệp buộc phải đưa chi phí đất đai vào giá bán nhà ở xã hội. Điều này sẽ khiến giá nhà do doanh nghiệp xây dựng, tạo lập quỹ đất cao hơn nhiều so với các dự án do nhà nước xây bằng ngân sách và đất công", ông Nghĩa nói.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND HCM Phan Văn Mãi, nói thành phố đã lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, hiệp hội và cố gắng tháo gỡ nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Từ hội nghị này, thành phố cam kết tập trung làm tốt các phần việc của mình như: quy hoạch, chuẩn bị đất đai, kết nối hạ tầng, chính sách và giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ tổng hợp, kiến nghị trung ương xem xử lý.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, ông Mãi đề nghị đối với các dự án, sở ngành có thể đưa ra những quy định, tiêu chí và cấp giấy phép xây dựng. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, chiếu theo đó thực hiện. Ngành chức năng sẽ hậu kiểm, doanh nghiệp không chấp hành sẽ chịu phạt nặng.
Tương tự, với thủ tục hoàn công có thể được giao cho đơn vị thực hiện dịch vụ. Trong trường hợp này, việc của các cơ quan quản lý là xác định thủ tục, quy chuẩn để người dân, tổ chức làm theo và hậu kiểm, đưa ra hình thức xử lý nếu không tuân thủ.
Về vấn đề hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM nghiên cứu lại quy trình với tinh thần "hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp".
"Thành phố chỉ cần xây dựng khung, tiêu chí, lĩnh vực hỗ trợ, ngân hàng thẩm định cho vay. Nếu dự án lọt vào khung được hỗ trợ lãi suất 100%, tương đương bao nhiêu tiền, thành phố sẽ chuyển ngay vào tài khoản doanh nghiệp", ông Mãi gợi ý.
Ngoài kêu gọi đầu tư vào nhà ở xã hội, tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thêm vào năm 2025, chính quyền cùng Liên đoàn lao động thành phố sẽ xây mới 100.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động, công chức, viên chức thuê.
Lê Tuyết