Báo cáo của Sở Y tế thành phố hôm nay, cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng ở Sài Gòn cũng đáng báo động với 1.157 ca, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, có đến 8 ca tử vong.
Làm việc với ngành y tế thành phố chiều nay, sau khi so sánh biểu đồ dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng với các tỉnh khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng, TP HCM đã thực hiện chưa tốt công tác phòng bệnh.
Bằng chứng là trong hiện tại, dù số lượng ca bệnh đang ở mức cao nhưng thành phố vẫn chưa triển khai một cách quyết liệt chương trình phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng.
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: T.C. |
Tuy nhiên theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Lê Trường Giang, Sở Y tế đã thực hiện tốt công tác phòng bệnh, song nhiều nguyên nhân khách quan đã khiến hiệu quả chưa cao.
"Dân cư đông đúc, mầm bệnh sốt xuất huyết (loăng quăng) nằm trên sân thượng, trong hàng nghìn công trình xây dựng hay các bãi đất hoang chưa xây cất... Đây là những ổ dịch mà nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành", ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, việc phun xịt hóa chất diệt muỗi chống dịch gặp nhiều trở ngại do các nguyên nhân như: nhiều nhà dân thường đi vắng đóng cửa; căn hộ cao tầng vòi xịt không phun đến nơi... Quan trọng hơn cả là nếp sinh hoạt suốt ngày đêm của thành phố (nhất là các dịch vụ ăn uống) lại rơi vào thời gian vàng dành cho việc phun xịt thuốc muỗi.
Riêng tình hình bệnh tay chân miệng tăng cao, ông Giang giải thích, do bệnh không có những dấu hiệu rõ nét về dịch tễ lại xuất hiện trên diện rộng, nên ngành y tế chưa thể xác định cụ thể ổ dịch dẫn đến chưa phòng bệnh hiệu quả. Công tác phòng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào việc tuyên truyền kiến thức đến các hộ gia đình.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM Nguyễn Đắc Thọ lại cho rằng, không thể đòi hỏi y tế dự phòng làm tốt công tác phòng bệnh khi người dân vẫn chưa có điều kiện kinh tế để chống dịch.
Nhiều quận ven đô như quận 8, Bình Thạnh, Thủ Đức... theo ông Thọ, vẫn còn khá nhiều dân nghèo phải sống trong những khu dân cư lụp xụp. Chính những khu vực này dễ trở thành ổ bệnh, việc chứa nước sinh hoạt trong lu vại vẫn còn diễn ra. Điều này đôi khi khiến cán bộ chống dịch cũng chịu thua.
Một bức xúc khác được bác sĩ Thọ nêu lên chính là sự thiếu hụt về nhân lực phục vụ công tác phòng bệnh. Ông Thọ cho biết, từ nhiều năm nay, do cơ chế lương quá thấp, Trung tâm Y tế dự phòng chỉ chia tay cán bộ chứ không đón nhận thêm thành viên nào, tình hình còn thảm hại hơn ở tuyến quận huyện. "Đã thế, tiền bồi dưỡng cho mỗi ca phòng dịch chỉ vẻn vẹn 60.000 đồng khiến nhân viên không có tinh thần làm việc", bác sĩ Thọ nói.
Lu vại chứa nước của những hộ nghèo là ổ muỗi gây bệnh. Ảnh: T.C. |
Thông cảm với những khó khăn của Y tế TP HCM, tuy nhiên Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh không thể vì những vướng mắc trên mà bỏ lửng công tác phòng bệnh.
"Tôi tin TP HCM không thiếu tiền phục vụ cho công tác y tế dự phòng", ông Huấn nói. Ông Huấn yêu cầu Sở Y tế phải họp khẩn với lãnh đạo thành phố để bàn bạc kế hoạch cụ thể và bắt đầu triển khai công tác phòng bệnh quyết liệt theo tinh thần văn bản của Thủ tướng từ đầu tháng 6.
Theo ông, để lên dây cót tinh thần làm việc của cán bộ y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ sớm soạn thảo luật phòng bệnh truyền nhiễm nhằm giúp cán bộ có thể yên tâm công tác, thay vì trầy trật nhận phí phòng dịch như hiện nay.
Thiên Chương