"Hiện tại môi trường bị ô nhiễm rất nặng và đang ở mức báo động ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng trên hết là sự tụt hậu về quản lý bảo vệ môi trường, có khi là bất lực trước hiện trạng", ông Trương Trọng Nghĩa, đại biệu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về môi trường sáng nay tại UBND TP HCM, đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa đồng quan điểm: "Tình hình diễn biến ngày càng xấu vì chính quyền buông lỏng quản lý nhà nước ít nhất trong 15 năm. Luật môi trường đã có từ năm 1993, đã quy định rõ mọi cơ sở kinh doanh phải xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường. Nếu thực thi tốt từ 1993 thì thành phố đã không phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nặng nề như hiện nay".
Tại TP HCM hiện nay đầy rẫy những con sông đen ngòm, đủ thứ rác bẩn. Ảnh: Kiên Cường |
Hiện nay, tại TP HCM ô nhiễm môi trường đang trên đà tăng trưởng tỷ lệ thuận với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, và theo nhiều chuyên gia đánh giá đây chính là hệ lụy của quá trình đô thị hóa.
Đại biểu HĐND Phạm Minh Trí giải thích: "Đứng về mặt điều hành, thành phố chưa coi trọng đúng mức vấn đề môi trường, thiên vị cho tăng trưởng GDP và chắn chắc đây không phải là mục tiêu phát triển bền vững".
Chưa hết, ông Nghĩa còn đưa ra cảnh báo về hiện tượng "di tản môi trường", tức nhiều người dân đã mua đất tại những khu vực ngoại thành ít ô nhiễm hơn trung tâm.
Chính Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Trung Tín cũng thừa nhận, vấn đề môi trường chưa làm kiên quyết là do quy hoạch, xử lý nể nang, phát triển kinh tế đi trước bảo vệ môi trường, quyền hạn của các quận huyện còn yếu và đương nhiên không tránh khỏi hiện tượng "thả" trong phối hợp xử lý.
Báo cáo của Ban kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TP HCM gióng lên một hồi chuông báo động, nguồn nước sông Sài Gòn, Thị Vải, Đồng Nai ngày càng ô nhiễm nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước nhà máy Thủ Đức và Tân Hiệp, tình trạng ô nhiễm kênh rạch đang ở diện rộng khắp thành phố.
"Kênh Thầy Cai, An Hạ (huyện Củ Chi); kênh B, C (huyện Bình Chánh); Bà Búp, Trần Quang Cơ (Hóc Môn) nước đã chuyển sang màu nâu đen, hôi thối nồng nặc. Riêng huyện Bình Chánh 30/55 tuyến sông rạch bị nhiễm bẩn rất nặng ảnh hưởng lớn đến sinh họat của người dân", ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND cho biết.
Cũng theo báo cáo của Ban kinh tế ngân sách, có 65,46% bệnh viện (81 trên 139 bệnh viện) có hệ thống xử lý nước thải không đạt hoặc không có hệ thống xử lý. Ngoài ra, hai khu xử lý rác tại Đa Phước (huyện Bình Chánh ) và Phước Hiệp (Củ Chi) cũng gây ô nhiễm nặng nề với môi trường xung quanh.
Nhiều năm nay, người dân TP HCM đã quá quen với "điệp khúc" những con sông, kênh rạch dần bị bức tử bởi nước thải từ các KCN, KCX, cơ sở sản xuất chưa qua xử lý. Nổi tiếng nhất trong số đó là KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) khi chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm qua đã biến môi trường xung quanh thành một khu "đất chết", nước - đất - không khí ở đây phải vật lộn với KCN để tồn tại.
Theo số liệu ước tính từ năm 2005, tổng tải lượng bụi hạt SO2, NO2, CO, VOC phát ra từ các nguồn như phương tiện giao thông, khí thải công nghiệp, khí đốt nhiên liệu sinh hoạt khoảng 60.000 tấn một năm (trong đó gần 90% là khí thải giao thông).
Trước hiện trạng đó, UBND TP HCM đã đưa ra một loạt biện pháp: Đến hết quý I/2009, 100% doanh nghiệp phải đấu nối hệ thống thoát nước thải vào hệ thống thu gom chung của nhà máy, KCN. Thời hạn hoàn thành các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chậm nhất vào ngày 31/3/2009, quá thời gian trên cơ sở sản xuất nào vi phạm sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động.
Kiên Cường