Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, sáng 14/6 nhận định "có thể còn những ca nhiễm chưa có triệu chứng trong cộng đồng, chưa được phát hiện hết". Ông đánh giá mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, song song với các ca nhiễm thuộc nhóm Truyền giáo Phục hưng đã được kiểm soát. Đây là lý do Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố 14 ngày nữa nhằm có thêm thời gian để tầm soát, truy vết mầm bệnh, chặt đứt chuỗi lây nhiễm.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia về dịch tễ học, Giám đốc quốc gia Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam thuộc Đại học Sydney, cho rằng 14 ngày qua thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhưng số ca nhiễm vẫn tăng là do F0 (người nhiễm) đã âm thầm trong cộng đồng một thời gian.
"Các F0 trong cộng đồng qua giai đoạn ủ bệnh khi được phát hiện thì đã lây qua một số vòng. Do đó, phát hiện ca mắc Covid-19 chỉ là bề nổi, còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng âm thầm mà không được phát hiện sẽ tiếp tục lây rộng hơn", tiến sĩ Thu Anh phân tích.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, cho rằng sở dĩ trong thời gian giãn cách xã hội số ca nhiễm vẫn tăng là do việc xác định F0 chưa chính xác, do đó các F0 lẩn khuất trong cộng đồng vẫn tiếp tục lây lan.
Theo bác sĩ Khanh, giãn cách xã hội phát huy hiệu quả đối với những nơi tụ tập quá đông người không thể kiểm soát. Tuy nhiên trong gia đình, trong cơ quan... có lúc ăn ngủ chung thì giãn cách gần như không hiệu quả và cũng rất khó tuân thủ giải pháp 5K. Do đó, điều cần phải làm là mở rộng tầm soát, tìm kiếm F0 trong cộng đồng dân cư, gia đình chứ không chỉ ở các khu có nguy cơ cao đã được phong tỏa.
Tiến sĩ toán học Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, dựa trên mô hình đồ thị dự báo số ca nhiễm tại TP HCM ngày 14/6 khoảng 90 ca, các ngày tiếp theo số ca có thể tiếp tục tăng: 90, 97, 104, 110, 116, 122, 128, 133, 138, 143, 147, 150, 153, 155, 157, 159, 160.
Theo ông Lê Anh, trong các ca công bố hàng ngày tại TP HCM hiện nay, số ca nhiễm xuất hiện ở cộng đồng, tức là không trong các khu cách ly hoặc các khu vực đã được phong tỏa, ước tính từ 5% đến 10%, có nghĩa trong 90 ca nhiễm thì khoảng 20 ca cộng đồng.
"Tình trạng này đã kéo dài, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì dịch sẽ bùng phát mất kiểm soát. Cứ sau một tuần số ca nhiễm mỗi ngày sẽ tăng gấp đôi, khi đó số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 3 triệu ca", tiến sĩ Lê Anh nhận định.
Ông cho rằng trong những ngày tới, việc truy vết để kiểm soát, phát hiện những ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng triển khai tốt thì số ca nhiễm sẽ giảm, dịch bệnh tại TP HCM sẽ dần được khống chế. Khi đó tình hình dịch chung của cả nước sẽ giảm dần và kết thúc vào cuối tháng 7.
Tính từ khi bắt đầu giãn cách xã hội 0h ngày 31/5 đến sáng 14/6, TP HCM ghi nhận 662 ca Covid-19 với nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây.
Trong một tuần đầu TP HCM thực hiện giãn cách, số ca mắc Covid-19 có xu hướng giảm, chủ yếu là các ca liên quan nhóm Truyền giáo Phục hưng. Tuy nhiên vào tuần thứ hai giãn cách từ ngày 3/6 đến 12/6, phát hiện thêm 310 ca thuộc các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng. Các ca được sàng lọc từ bệnh nhân đến bệnh viện khám khi có triệu chứng, điều tra truy vết sau đó phát hiện những chùm lây nhiễm lớn đã lây lan trong cộng đồng.
"Do đó cần có giải pháp để khi người dân nghi ngờ nhiễm nCoV thì có thể tiếp cận xét nghiệm nhanh hơn như đến phòng khám gần nhà, chứ không đợi đến bệnh viện lớn thì đã lây lan nhiều chu kỳ ", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Theo Trung tâm kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP HCM, đặc điểm lớn nhất trong đợt dịch này là chủng virus Delta lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đăc biệt là các tòa nhà văn phòng). Virus lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố. Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. CDC đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.
Từ những ca đến khám tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết thành phố đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng gồm: chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư E Home3, quận Bình Tân; chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới; chuỗi lây nhiễm xưởng cơ khí Hóc Môn; chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức; chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn; chuỗi lây nhiễm Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn.
Thành phố tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch đối với các ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan. Kiểm soát chặt các khu vực phong tỏa và các khu cách ly; tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung; triển khai tầm soát đối với các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 không chỉ tại bệnh viện mà còn ở cộng đồng.
Từ ngày 18/5 đến nay, TP HCM ghi nhận 845 ca Covid-19 trong cộng đồng, ở khắp 22 quận, huyện, thành phố. Gò Vấp là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất, 115 ca, quận 12 có 72 ca, Bình Thạnh 66 ca, Tân Bình 63 ca, Bình Tân 61 ca, Tân Phú 51 ca.
Lê Cầm