Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố sẽ tổ chức đưa đón học sinh từ cổng nhà đến cổng trường với mức trợ giá tối đa không quá 100.000 đồng/học sinh/tháng, phần còn lại do gia đình học sinh thanh toán. Dự kiến, trong năm, ngân sách nhà nước sẽ trợ giá cho xe đưa đón học sinh là 2,67 tỷ đồng.
Theo Sở GTCC, sẽ có khoảng 3.400 học sinh của 45 trường học trên địa bàn thành phố được đi học bằng xe buýt theo chương trình này. Tất cả học sinh cấp I và cao dưới 1,3 m đi xe buýt mẫu đều được miễn mua vé.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở phường 7, quận 3 băn khoăn: "Tôi có 2 cháu, đang học cấp I và II, hàng ngày phải đưa đón rất mất thời gian. Nhưng với tình trạng kẹt xe như hiện nay, đưa rước bằng xe buýt liệu có kịp giờ học?". Đây cũng là tâm lý chung của hầu hết các bậc phụ huynh vì giờ học và giờ tan tầm của các trường học trên địa bàn thành phố đều rơi vào giờ cao điểm.
Giá dịch vụ cao cũng là một nguyên nhân khiến người dân chưa chấp nhận. Trong đợt triển khai thí điểm đưa đón học sinh ở 14 trường trong khu vực thường xuyên kẹt xe, do Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải công cộng thực hiện có trợ giá của thành phố, mức phí mỗi học sinh phải trả bình quân trên 100.000 đồng/tháng. Kết quả đạt được chỉ bằng 1/10 dự kiến (252/2.000 học sinh) và cũng chỉ thực hiện được ở 6/14 trường.
Theo một cán bộ của Trung tâm Vận tải hành khách, để giải quyết những khó khăn trên, cần phải lập một mạng xe đưa đón học sinh riêng, lan tỏa đến khắp các trường học trên địa bàn (giống như mạng xe buýt), hoặc chí ít là từng cụm trường theo lộ trình thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, thành phố cần dành nhiều ưu tiên cho phương tiện này khi lưu thông trong giờ cao điểm nhằm đảm bảo an toàn, đúng giờ cho học sinh đến lớp. Lại có ý kiến cho rằng nên kết hợp mạng xe buýt mẫu đang triển khai vào đưa đón học sinh từ cấp II trở lên để tận dụng mạng, phương tiện sẵn có, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu xe và giá cước.
(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)