Lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024. C4IR có 10 thành viên sáng lập, gồm những đơn vị lớn của như Đại học Quốc gia TP HCM, Viettel, Sovico, HD Bank... Các sáng lập viên sẽ đóng góp tài chính, nhân sự để tham gia quản trị, điều hành và tổ chức các hoạt động theo tiêu chuẩn thế giới. Mục tiêu mỗi năm khoảng 10 hoạt động.
C4IR TP HCM cụ thể hóa nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) giai đoạn 2023-2026. Đây là Trung tâm thứ hai tại Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới toàn cầu của WEF. Các thành viên sẽ tổ chức các hoạt động hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực như bán dẫn, công nghệ sinh học, IoT, AI, vật liệu mới...
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu những ý nghĩa quan trọng khi thành lập trung tâm. Thủ tướng nhấn mạnh C4IR đã cụ thể hóa, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn trong phát triển đất nước; góp phần vào hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng khẳng định phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu, ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Ông kỳ vọng TP HCM sẽ sớm hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động cho trung tâm.
TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - đại diện thành viên đồng sáng lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP HCM, thành viên sáng lập cho biết khánh thành trung tâm là cột mốc để TP HCM hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Tại Khu Công nghệ cao TPHCM - nơi đặt CI4R, HDBank và các đối tác đã triển khai nhiều dự án lớn gồm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo - Galaxy Innovation Hub; Trung tâm Công nghệ Hàng không - Học viện Hàng không Vietjet; Ngân hàng số Vikki; Quỹ Đầu tư mạo hiểm trị giá 150 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ phát triển công nghệ cao trị giá 100 tỷ đồng.
Với vai trò là thành viên sáng lập, bà Phương Thảo khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án công nghệ cao, hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế; kết nối các tổ chức sáng tạo trong nước, thu hút nguồn lực quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
"Chúng tôi quyết tâm, cam kết tiếp tục đồng hành thành phố, cùng sự ra đời của Trung tâm C4IR triển khai những chương trình, kế hoạch để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững", bà Thảo nêu.
Trước đó, chia sẻ tại hội thảo cuối tháng 4, ông Kyriakos Triantafyllidis, Giám đốc Chiến lược và tăng trưởng, Trung tâm Chuỗi cung ứng và sản xuất tiên tiến WEF cho biết C4IR được xem là "chiến lược toàn diện" thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế với trọng tâm là khởi nghiệp sáng tạo, SMEs, đầu tư mạo hiểm và ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Trong đó, Việt Nam có nhiều lĩnh vực tiềm năng cần khám phá như sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh. C4IR sẽ hỗ trợ quá trình này.
Các thành viên sáng lập là những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Trong mô hình của WEF, trung tâm có thể tận dụng tri thức, kinh nghiệm của mạng lưới C4IR toàn cầu nhằm đưa ra những kiến nghị giải pháp, chính sách, sáng kiến phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế về công nghệ.
Hoài Phương