Thông tin được Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi nói tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 28/7, khi trả câu hỏi về biện pháp chống dịch của thành phố sau ngày 1/8.
"Đến ngày 1/8, thành phố sẽ có những đánh giá để đưa ra chủ trương, biện pháp mới. Tuy nhiên đến giờ này chúng tôi nghĩ sau ngày 1/8, thành phố vẫn cần thêm thời gian thực hiện các giải pháp mà thành phố đưa ra", ông Mãi nói.
Chỉ thị 12 của Thành ủy TP HCM ban hành ngày 22/7 nhằm siết chặt việc giãn cách theo Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp cấp bách để kiềm chế tốc độ lây lan của Covid-19. Theo đó, thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; quy định cách ly, phong tỏa.
Thành phố cũng tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh; các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách; ngành ngân hàng, chứng khoán hoạt động ở mức độ vừa phải để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết; chỉ những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu được hoạt động.
Từ ngày 26/7, UBND TP HCM cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 18h mỗi ngày, dừng tất cả hoạt động (trừ trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch) đến 6h sáng hôm sau để phòng dịch lây lan.
Theo ông Mãi, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của thành phố là công tác điều trị. Thành phố tiếp tục thu dung F0 tại các khu tập trung ở quận huyện. Theo thống kê, 70-80% không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, nếu cách ly tất cả ở những cơ sở tập trung sẽ gây quá tải lớn.
"Với hơn 70.000 ca F0, thành phố chuyển hướng sang điều trị. Những ca bệnh nặng, có bệnh nền, tiếp nhận ở các bệnh viện để chăm sóc, điều trị. Những ca F0 ở nhà hay ở các cơ sở thu dung sẽ được hướng dẫn, chăm sóc sức khoẻ online", ông Mãi nói.
Ngoài ra, 20-30% ca F0 hiện cần được can thiệp y tế, trong đó nhiều ca trở nặng. Vì vậy các bệnh viện tuyến quận huyện sẽ được chia đôi để vừa điều trị ca Covid-19 và chăm sóc bệnh nhân khác.
Đồng thời, theo Phó bí thư Thành ủy, ngành y tế đã chủ trương huy động các cơ sở y tế tư nhân để điều trị bệnh nhân. TP HCM lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến, tham gia vào các tầng điều trị cao (tầng 3,4).
Với tầng 5, bệnh viện hồi sức Covid-19 sẽ cố gắng đáp ứng được 1.000 giường trong thời gian tới, huy động thêm những bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân để tham gia tầng này.
"Với số lượng bệnh nhân như vừa qua, gần như các bệnh viện đã đầy, nhiều lúc rơi vào quá tải", ông Mãi nói và cho biết thành phố sẽ rà soát, sắp xếp lại để các tầng điều trị được bố trí khoa học hơn, phối hợp và liên thông tốt hơn.
Hiện, TP HCM trải qua 20 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ghi nhận hơn 74.800 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư.
Mạnh Tùng - Hữu Công