Tại Hội nghị quốc gia về rối loạn sử dụng chất và HIV tại TP HCM ngày 3/8, phó giáo sư Bùi Thị Xuân Mai cho biết số người nghiện ma túy ở nước ta trung bình mỗi năm tăng 10%. Năm 2017 có hơn 210.000 người nghiện, xu hướng tăng nhanh ở giới trẻ, học sinh.
TP HCM có số người nghiện nhiều nhất với 21.712, tiếp đến là Hà Nội 12.803 trường hợp, Điện Biên có 9.481 người. Nguyên nhân lây nhiễm HIV chủ yếu do sử dụng ma túy. Nguồn ma túy từ các nước như Lào, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan… vào Việt Nam ngày một tăng. Ngày càng nhiều vấn đề an ninh trật tự xã hội như cướp giật, giết người liên quan đến nghiện ma túy. Năm 2016, tòa án thụ lý 18.916 vụ án với 24.360 can phạm liên quan ma túy.
Theo phó giáo sư Mai, trước kia người nghiện ma túy được coi là tội phạm, bị bắt đưa vào trung tâm cai nghiện. Cách can thiệp chủ yếu là cắt cơn giải độc, ngăn nguồn thuốc, giáo dục, lao động trị liệu. Về sau nghiện ma túy được gắn với tệ nạn xã hội, suy đồi đạo đức, nhận thức kém, lười lao động và cách can thiệp là "giáo dục, giáo dục lao động". Sau này người nghiện được coi là nạn nhân bởi bị lôi kéo vào nạn nghiện hút, do vậy cần được giáo dục tránh xa ma túy, lao động để quên ma túy… "Hiện nay người nghiện được xem là bệnh nhân, cần được điều trị như người bệnh", bà Mai nói.
Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết hiện nay chương trình lồng ghép điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone và điều trị HIV bằng thuốc kháng virus được triển khai tại nhiều nơi. Nhờ đó bệnh nhân thuận tiện tiếp cận các dịch vụ, nâng cao hiệu năng làm việc của nhân viên. Mô hình lồng ghép đang được tăng cường triển khai vào hệ thống khám chữa bệnh và hệ thống y tế dự phòng các tuyến.
Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 xem nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, cần điều trị nghiện lâu dài. Người nghiện cần có sự can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội nhằm thay đổi nhận thức, hành vi. Đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, bắt buộc tại trung tâm. Đề án tập trung nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn về dự phòng và điều trị nghiện cho cán bộ, tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng.